Niễng (Củ): Từ món ăn đặc sản đến vị thuốc quý Đông y

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Niềng niễng, Niễng, Cây lúa miêu, Giao bạch, Cao duẩn, Giao hồ.

Tên khoa học: Zizania caducifolia (Turcz ex Trin.) Haud-Mazz., thuộc Họ Lúa – Poaceae.

Tên khác: Zizania latifolia (Griseb.) Turcz. ex Stapf.

Đặc điểm tự nhiên

Cây niễng là loài cây thảo sống lâu năm. Môi trường sống của cây thường mọc chìm ngập trong nước hay chỗ nhiều bùn. Cây có thân rễ phát triển mạnh, thân đứng thẳng, có thể cao tới 1 đến 2 m, phần thân dưới gốc xốp và to.

Lá niễng hình dải, phẳng, thuôn, chiều dài khoảng 30 đến 70 cm, chiều rộng khoảng 2 đến 3 cm. Cả hai mặt lá đều ráp và đều dày ở hai bên mép. Bẹ lá nhẵn, có nhiều khía rãnh; lưỡi bẹ lá có hình bầu dục. Đến mùa, cây niễng sẽ đâm nhiều chồi ở nách các lá.

Cây niễng có hoa hình chùy hẹp, mọc thành cụm hoa, dài khoảng 20 – 50 cm. Cuống chung của hoa phân nhánh nhiều và rất khỏe. Cụm hoa thường mang bông nhỏ đực nằm ở trên, bông nhỏ cái nằm ở dưới. Hoa đực có 6 nhị với các chỉ nhị ngắn. Hoa cái có bầu với đầu nhuỵ dài.

Phân bố, thu hái, chế biến

Niễng là loài loài duy nhất thuộc chi Zizania trong họ Lúa (Poaceae) này có khu vực sinh sống bản địa là châu Á, trong khi các loài còn lại là bản địa Bắc Mỹ. Cây được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Á châu. Ở nước ta, cây được trồng ở bờ sông, ruộng, bờ ao, ven hồ, ao cạn nước còn bùn nhão hoặc ruộng nước, thường phân bổ ở các tỉnh: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Lâm Đồng. Đặc biệt, ở nước ta củ niễng phổ biến nhất ở Nam Định, nên còn có tên gọi khác là củ niễng Nam Định.

Khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 là thời điểm thuận lợi để trồng niễng bằng phần mềm tách ở gốc ra. Một số nơi có thể trồng vào tháng 11 – 12 sau khi đã phơi nắng cây một thời gian. Lưu ý nên trồng cây niễng vào nơi có bùn nhão, khoảng cách giữa các cây khoảng từ 50 – 60 cm, theo hàng hoặc không. Cây niễng cần được chăm sóc kỹ lưỡng để giữ đủ nước và ngăn cỏ dại phát triển.

Củ niễng thường được dùng tươi, không cần chế biến sơ chế.

Bộ phận sử dụng

Củ niễng có thân to, mềm, phồng, xốp, hình chùy dài, đường kính 2,5 – 3 cm, chiều dài khoảng từ 5 – 8 cm. Khi già, trên thân củ niễng có đầy bào tử của loài nấm than – Ustilago esculenta P. Hen ký sinh trên thân cây, tạo những vết màu đen. Khi còn non, thân củ niễng có những chỗ màu xanh lục của các sợi nấm trên phần mô màu trắng. Chính loại nấm than này đã làm cho thân cây phồng lên, tạo thành phần phình của thân cây Niễng – Caulis Zizaniae, thường có tên là Giao cô hay Giao bạch. Bộ phận bị nấm ký sinh này được sử dụng để làm thức ăn và dược liệu. Cây niễng cho vị thuốc là giao bạch tử (Fructus Zizaniae) là hạt niễng phơi hay sấy khô.

Rate this post