Công dụng của cây dành dành

Cây dành dành còn được người dân một số nơi gọi với tên khác như là chi tử, thủy hoàng chi hay là mác làng cương (tiếng Tày). Tên khoa học của cây dành dành là Gardenia jasminoides Ellis, thuộc họ thiên thảo – Rubiaceae.

Cây dành dành là một loại nhỏ, cao khoảng 1 – 2m, cây có thân thẳng và phân thành nhiều nhánh. Lá cây dành dành tươi tốt quanh năm, thường mọc đối nhau hoặc thành vòng 3 lá. Mặt trên của lá dành dành có màu xanh thẫm, bóng; mặt dưới màu nhạt hơn.

Hoa của cây dành dành mọc ở đầu cành, màu trắng khi mới nở và chuyển sang màu vàng nhạt khi sắp tàn, có mùi thơm. Hoa dành dành thường nở vào mùa hè.

Quả dành dành thuôn hình bầu dục có 6 – 9 góc, bên trong có 2 – 5 ngăn. Khi chín quả dành dành có màu vàng cam, chứa nhiều hạt, vị thơm và hơi đắng.

Bộ phận được sử dụng làm thuốc là quả, rễ và lá của cây dành dành. Lá và rễ cây dành dành được thu hái quanh năm. Quả cây dành dành được thu hái vào khoảng tháng 8 – 10.

Lá cây dành dành sau khi hái về, đem đi rửa sạch và dùng tươi trực tiếp. Rễ cây thái lát và phơi khô để sử dụng.

Quả dành dành chín được hái về ngắt bỏ cuống, sau đó đem phơi hoặc sấy khô để dành làm dược liệu với tên gọi là chi tử.

  • Cách bào chế chi tử sao vàng: Bóc bỏ vỏ ngoài của quả dành dành để lấy hạt bên trong đem sao với lửa nhỏ cho đến khi hạt có màu nâu vàng thì lấy ra để nguội.
  • Tiêu chi tử: Bóc bỏ vỏ, lấy hạt sạch. Sau khi sấy khô thì sao trên lửa vừa cho đến khi mặt ngoài vàng xém, khi bẻ ra mặt trong có màu thẫm thì đổ ra để nguội. Khi sao xém chi tử có thể rất dễ bị cháy, vì vậy trong quá trình sao người ta có thể phun một ít nước lên trên, rồi lấy ra phơi hoặc sấy khô lại.

Lưu ý: Dược liệu sau khi được chế biến thành nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Theo nghiên cứu hiện đại, trong cây dành dành có các thành phần hóa học sau:

  • Trong quả dành dành có chứa một loại glucozit màu vàng được gọi là gacdenin và một số chất khác như gardenosid, geniposid, shanzhisid, gardosid, geniposidic acid gardenin, n-crocetin, crocin-l, scandosid methyl ester.
  • Trong lá cây dành dành có chứa một hợp chất có tác dụng diệt nấm.
  • Trong hoa dành dành có chứa acid gardenic và acid gardenolic B.
  • Ngoài ra, cây dành dành còn có một số hoạt chất khác như tannin, tinh dầu, chất pectin.

Rate this post