Cây một lá có tác dụng gì

Cây một lá còn có các tên gọi khác như Thanh thiên quỳ, Lan một lá, Trân châu, Châu diệp, Lan cờ, Chân trâu diệp, Kíp lầu, Slam lài, Bâu thooc. Tên khoa học là Nervilia fordii Schultze. Cây một lá thuộc họ Lan – Orchidaceae.

Cây một lá là một cây thuốc quý, sống lâu năm, có thể cao từ 20 – 30 cm. Thân cây rất ngăn, bên dưới là củ to tròn, có thể nặng khoảng 1.5 – 20 g. Từ củ chỉ mọc lên một lá duy nhất, riêng lẻ, lá phát triển sau khi hoa tàn. Lá có hình tim, tròn, đường kính khoảng 10 – 25 cm. Gân lá tỏa đều từ cuống lá, các gân lá xếp thành hình chân vịt, cuống lá dài khoảng 10 – 20 cm, có màu tím hồng.

Cụm hoa Cây một lá thường có cán dài khoảng 20 – 30 cm. Hoa mọc thưa, khoảng 15 – 20 hoa, mọc thành chùm, có màu trắng, đốm tím hồng hoặc màu vàng xanh hơi ngả sang lục. Lá đài và các cánh hoa giống nhau. Cây ra hoa vào tháng 3 – 5, khi hoa nở đầu cánh hoa ở phía trên chụm lại khiến cho hoa có hình dạng như một chiếc đèn lồng.

Quả nang, hình thoi, trên có nhiều khía giống như quả khế non, quả dài khoảng 2 – 3 cm. Mùa quả vào tháng 4 – 6.

Thông thường sau khi hoa tàn thì lá cây mới bắt đầu phát triển. Do đó, tại các thời điểm nhất định Cây một lá chỉ có thể mang hoa hoặc quả mà không có lá. Hoặc chỉ nhìn thấy lá cây mà không có hoa và quả. Cây thường chỉ phát triển một lá, nên gọi là Cây một lá.

Toàn bộ thân cây và củ của cây một lá được sử dụng để làm dược liệu. Có khi chỉ sử dụng lá cây, Đông y gọi là Thanh thiên quỳ.

Cây một lá được tìm thấy nhiều ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Cây thường chỉ mọc ở các khe núi, dưới tán rừng rậm, dưới bóng cây to, nơi thấp và ẩm ướt.

Cây một lá thường được thu hái vào mùa thu. Sau khi thu hái thì rửa sạch, phơi ráo, lại vò nhẹ lá rồi phơi khô hẳn.

Bên cạnh đó, để có thể sử dụng tối đa chỉ nên thu hái lá, để củ lại để cây tiếp tục phát triển. Lá cây có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc khô đều được. Thu hái về để riêng lá to và lá nhỏ, sơ chế.

Để bào chế dược liệu từ cây một lá, có thể theo 2 cách dưới đây:

  • Cách thứ nhất: Lá của cây một lá được hái rồi đem về rửa sạch, có thể phơi với nắng nhẹ, sau đó dùng tay vò lá thật nhẹ, tránh vò quá mạnh làm các dược chất biến mất. Lúc đầu nên vò từng lá một, sau đó vò nhiều lá cùng lúc. Sau đó phơi 2 – 3 ngày với nắng to đến khi lá khô hẳn.
  • Cách thứ hai: Lá sau khi được hái về đem rửa sạch, đồ qua nước sôi, sau đó đồ qua nước lạnh, lại đồ thêm nước sôi một lần.

Ngoài ra, một số nơi có thể hái lá về rửa sạch, không vò cũng không đồ qua nước sôi trước khi phơi khô.

Tuy nhiên, cách chế biến tốt nhất sẽ khiến lá đổi thành màu tro sẫm hoặc lục đen. Lá vo thành cục tròn có mùi thơm. Những lá nhỏ thường có chất lượng tốt hơn lá to.

Thanh thiên quỳ sau khi bào chế cần bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh nơi có độ ẩm cao.

Theo một số nghiên cứu, các chất hóa học có chứa trong lá cây một lá bao gồm:

  • Flavonoid
  • Triterpenes
  • Sterol
  • Glycosides Cycloartane
  • Nervilia Fordii

Rate this post