Vết bớt trên cơ thể là gì? Nguyên nhân hình thành do đâu?

vết bớt là gì
vết bớt là gì

Vết bớt thường xuất hiện trên da sau khi sinh hoặc trong quá trình trưởng thành. Chúng ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ da. Vết bớt có thể mờ dần theo thời gian hoặc tồn tại vĩnh viễn trên cơ thể. Vậy vết bớt là gì? Nguyên nhân hình thành do đâu? Bài viết dưới đây của bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp các vấn đề trên.

vết bớt

Vết bớt là gì?

Vết bớt là một bất thường ở da mà tại nơi đó da có màu sắc khác biệt với các vùng da xung quanh. Vết bớt có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Đa phần các vết bớt đều xuất hiện sau khi sinh, có thể mờ dần khi lớn lên hoặc tồn tại vĩnh viễn trên da (trừ khi được điều trị).

Vết bớt hầu như vô hại và không đau. Một số vết bớt có thể làm tăng nguy cơ ung thư da như một số loại nốt ruồi (nevi bẩm sinh). Vết bớt thường khác nhau về kích thước, hình dạng và màu sắc ở mỗi người. Các đặc điểm của vết bớt bao gồm: (1)

  • Một dát phẳng hoặc sẩn, mảng nổi lên trên da của bạn.
  • Kích thước có thể từ vài mm đến hàng chục cm.
  • Màu sắc khác với vùng da xung quanh (hồng, đỏ, tím, nâu, nâu hoặc đen).
  • Các vết bớt sắc tố có thể tăng kích thước và thay đổi màu sắc trong quá trình trưởng thành và già đi, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thay đổi hormone. Vết bớt đôi khi gây ngứa và có thể chảy máu khi bị thương.

Nguyên nhân hình thành vết bớt trên cơ thể

Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân hình thành vết bớt. Trong một số trường hợp, vết bớt xuất hiện do:

  • Các mạch máu không hình thành như mong đợi trong quá trình phát triển của thai nhi (vết bớt mạch máu).
  • Các tế bào melanocyte (sản xuất các sắc tố melanin cho da) phát triển thành cụm (vết bớt sắc tố).
  • Một số bớt xuất hiện do di truyền.
  • Một số bệnh tiềm ẩn (hội chứng bã nhờn nevus, ung thư da hoặc u sợi thần kinh).

Các vị trí “vết bớt” thường gặp

Các vị trí thường xuất hiện vết bớt như:

  • Mặt
  • Cổ
  • Lưng
  • Bụng
  • Tay
  • Chân
  • Mông

Dấu hiệu nhận biết từng loại vết bớt trên cơ thể

Có 2 loại loại bớt chính, cụ thể:

1. Vết bớt mạch máu

Vết bớt mạch máu được tạo thành từ các mạch máu phát triển bất thường trong quá trình phát triển của thai nhi. Loại bớt này còn được gọi là vết bớt màu đỏ, màu này đến từ các mạch máu trên da, thường xuất hiện sau khi sinh hoặc phát triển ngay sau đó. Vết bớt mạch máu được chia thành các dạng:

1.1 U mạch máu

U mạch máu thường có màu hồng, xanh dương hoặc đỏ tươi. Dạng này được tìm thấy ở tay, chân, đầu hoặc cổ, thân mình.

Lúc đầu, u mạch máu có kích thước nhỏ và hình dạng phẳng. Đôi khi chúng phát triển trong các tháng đầu đời của trẻ, trở nên lồi và lớn hơn. Bớt u mạch máu thường ngưng phát triển trong khoảng từ 6-18 tháng.

Một số loại u mạch máu có thể biến mất hoàn toàn hoặc mờ dần khi trẻ đến tuổi thiếu niên, một số loại thì tồn tại vĩnh viễn.

Một số u mạch máu phát triển nhanh gây ảnh hưởng đến tầm nhìn hoặc hô hấp của trẻ nên cần phải được điều trị sớm. Trẻ em có nhiều u mạch máu trên da nên được kiểm tra u mạch máu bên trong.

U mạch máu có 2 dạng là u máu dâu tây và u mạch máu sâu, cụ thể:

a. U máu dâu tây

U mạch máu dâu tây (vết bớt dâu tây, mạch máu nevus, u mạch máu mao mạch, hemangioma simplex) xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, phổ biến nhất trên mặt, da đầu, lưng hoặc ngực. Vết bớt dâu tây bao gồm các mạch máu nhỏ, xếp khít.

U mạch máu dâu tây có thể chưa xuất hiện khi sinh và chỉ phát triển sau đó vài tuần. Loại này thường phát triển nhanh chóng, duy trì kích thước cố định và mờ dần. Trong hầu hết các trường hợp, vết bớt dâu tây biến mất khi trẻ 9 tuổi, số ít chỉ đổi màu nhẹ hoặc nhăn da.

triệu chứng nhận biết vết bớt
Vết bớt dâu tây xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể.

b. U mạch máu sâu

U mạch máu sâu tương tự như u mạch máu dâu tây nhưng mở rộng sâu hơn bên dưới bề mặt da. Loại này xuất hiện dưới dạng một khối mô xốp màu đỏ đến xanh, chứa đầy máu. Một số bớt u mạch máu sâu tự biến mất khi trẻ đến tuổi đi học.

1.2 Bớt đốm cá hồi

Bớt đốm cá hồi còn được gọi là vết cò cắn hoặc vết bớt “nụ hôn thiên thần”. Bớt là dát màu đỏ hoặc hồng xuất hiện khi mới sinh, nhạt màu hơn khi bị đè ép, đỏ lên khi trẻ khóc, sốt, gắng sức, hoạt động thể chất mạnh và thay đổi nhiệt độ môi trường. Bớt đốm cá hồi thường gặp ở trán, mí mắt, môi trên, giữa lông mày và sau gáy. Loại bớt này sẽ mờ dần khi trẻ lớn lên.

1.3 Bớt đỏ rượu vang

Bớt đỏ rượu vang là vết bớt phẳng, màu tím đến đỏ như màu rượu vang có kích thước từ vài mm đến vài cm, được tạo thành từ các mao mạch máu giãn. Những vết bớt này xuất hiện chủ yếu trên mặt, ngực và lưng, thường ở 1 bên của cơ thể.

Bớt đỏ rượu vang là vĩnh viễn (trừ khi được xóa bỏ) và có thể dày lên hoặc sẫm màu theo thời gian. Loại bớt này có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu chúng xuất hiện ở khu vực nổi bật trên cơ thể.

1.4 Dị dạng mạch máu tĩnh mạch

Dị dạng mạch máu tĩnh mạch có màu đỏ hoặc tím, được gây ra bởi các nhóm tĩnh mạch giãn hoặc mở rộng bất thường. Dị dạng mạch máu tĩnh mạch phát triển chậm và xuất hiện từ khi sinh ra đến khi trẻ lớn lên. Chúng không tự phai màu nhưng có thể điều trị nếu cần thiết.

2. Vết bớt sắc tố

2.1 Bớt xanh (mông cổ)

Bớt mông cổ thường có màu xanh xám và trông giống như vết bầm tím, xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra hoặc một thời gian ngắn sau sinh. Loại bớt này thường xuất hiện ở phần dưới cột sống, ở mông hoặc lưng dưới, đôi khi ở thân hoặc cánh tay. Bớt mông cổ có thể tồn tại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thường tự biến mất khi trẻ lên 4 tuổi.

2.2 Bớt cà phê sữa

Bớt cà phê sữa có hình dạng và kích thước không đều, thường có màu nâu nhạt giống màu cà phê sữa. Thường gặp ở mặt, thân mình, tay, chân và vị trí khác của cơ thể. Da càng sẫm màu thì vết bớt này càng đậm. Một số trẻ em có thể có nhiều vết bớt cà phê sữa. (2)

Loại vết bớt này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, từ khi sinh ra đến khi lớn lên và có thể lớn hơn về kích thước. Bớt cà phê sữa thường lành tính, tồn tại vĩnh viễn trừ khi được điều trị, có thể liên quan đến các hội chứng như: bệnh u sợi thần kinh loại 1, hội chứng McCune-Albright (bệnh di truyền ảnh hưởng đến hệ thống xương, da và nội tiết) và số lượng vết bớt trên cơ thể có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán.

2.3 Nevi bẩm sinh

Nevi bẩm sinh là những nốt ruồi xuất hiện khi sinh. Chúng khác nhau về ngoại hình và có thể:

  • Nhỏ hoặc lớn.
  • Có màu sáng, nâu sẫm hoặc gần như đen.
  • Dạng phẳng hoặc lồi.
  • Làm tối, dày hoặc mọc tóc.
  • Xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể.

Các bớt nevi bẩm sinh thường vô hại, nhưng nhiều nốt ruồi nhỏ xuất hiện khi sinh biểu hiện cho các tế bào sắc tố dư thừa phát triển trong hệ thống thần kinh trung ương. Trẻ sơ sinh có biểu hiện này nên được bác sĩ da liễu khám vì có thể gây áp lực lên não và co giật nếu không được điều trị.

2.4 Bớt tế bào hắc tố bẩm sinh

Bớt có đặc điểm là mảng da tăng sắc tố màu đen, sần sùi, có lông trên bề mặt, thường gặp ở mặt, thân mình hoặc các vùng khác của cơ thể. Bớt tế bào hắc tố bẩm sinh thường phẳng lúc đầu, theo thời gian sẽ trở nên dày hơn, rậm lông. Đa số trường hợp là lành tính, số ít trường hợp có nguy cơ chuyển thành ác tính.

2.5 Bớt Ito

Bớt Ito là dát tăng sắc tố màu xanh đen hoặc xám trên thân mình. Thường xuất hiện trước 1 tuổi hoặc xuất hiện trong độ tuổi dậy thì. Bớt Ito là bớt lành tính, tồn tại theo thời gian, trừ khi được điều trị.

2.6 Bớt Ota

Bớt Ota là dát tăng sắc tố màu xanh hoặc xám đen trên mặt, thường xuất hiện ở 1 bên mặt. Các vị trí thường gặp như: quanh mắt, thái dương, gò má, mũi, kết mạc mắt… trong đó 50% trường hợp xuất hiện trước 1 tuổi, còn lại xuất hiện khi dậy thì. Bớt Ota lành tính, tồn tại vĩnh viễn nếu không được điều trị.

2.7 Bớt Becker

Bớt Becker là mảng tăng sắc tố màu đen hoặc nâu, bề mặt rậm lông, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm. Loại bớt này thường xuất hiện ở 1 bên cơ thể, vị trí hay gặp ở vai, dưới vú, lưng… Bớt Becker lành tính, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào có biến đổi ác tính trên tổn thương.

2.8 Bớt Spilus

Bớt Spilus là sẩn tăng sắc tố màu xanh đen, nâu đen trên nền tổn thương giống dát cà phê sữa. Loại bớt này xuất hiện ở thân mình hoặc tứ chi. Đa số bớt Spilus lành tính nhưng cũng có trường hợp diễn tiến thành ung thư hắc tố.

2.9 Bớt giảm sắc tố

Bớt giảm sắc tố là dát màu trắng, nhạt màu hơn vùng da xung quanh, có nhiều hình dạng và kích thước. Loại bớt này thường xuất hiện ở thân mình, cũng có thể gặp ở tứ chi hoặc các vị trí khác trên cơ thể. Bớt thường xuất hiện từ lúc mới sinh và ổn định theo thời gian.

Đối tượng nào dễ bị bớt trên cơ thể?

Trẻ em và trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị bớt trên cơ thể, cụ thể:

1. Trẻ sơ sinh – trẻ em

Hơn 10% trẻ sơ sinh có vết bớt trên cơ thể và việc xác định loại vết bớt dựa vào kiểm tra trực quan da của trẻ. Hầu hết các u mạch máu tự biến mất khi trẻ 10 tuổi hoặc sớm hơn. Trẻ có nhiều khả năng cao bị bớt u mạch máu nếu:

  • Sinh non;
  • Bé nhẹ hơn 5 pound (2,25 kg) khi sinh;
  • Bé gái;
  • Da trắng;
  • Bé sinh đôi, sinh ba…

Bớt tạo các vết nâu trên da như nốt ruồi và đốm màu cà phê rất phổ biến. Khoảng 1/100 trẻ sơ sinh có nốt ruồi nhỏ, nốt ruồi lớn ít phổ biến hơn. Bớt Mông Cổ cũng khá phổ biến, xuất hiện chủ yếu ở người châu Á.

những ai thường dễ bị bớt
Bớt mông cổ thường có màu xanh xám, xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra hoặc một thời gian ngắn sau sinh.

2. Người lớn

Người lớn cũng có vết bớt trên da. Các vết bớt xuất hiện trên da từ khi vừa sinh ra hay xuất hiện trong quá trình trưởng thành. Vết bớt có hình dạng và kích thước khác nhau, từ đậm đến nhạt và thường không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trừ trường hợp vết bớt có màu sắc và biểu hiện bất thường hoặc ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh do gây mất thẩm mỹ khi xuất hiện ở các vùng nhạy cảm như: mặt, cổ, mắt, thân mình, chi trên…

Vết bớt trên da có nguy hiểm không?

Vết bớt hầu hết là vô hại và không đau. Trong hầu hết các trường hợp, bạn không cần phải điều trị vết bớt. Một số vết bớt có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da (nevi bẩm sinh). Nếu phát hiện những thay đổi bất thường liên quan đến vết bớt, bạn nên gặp bác sĩ Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để khám và điều trị.

Bớt đốm cá hồi và u mạch máu dâu tây thường mờ dần theo thời gian. Các loại bớt khác sẽ tồn tại vĩnh viễn trừ khi được loại bỏ bằng các phương pháp như laser, áp lạnh…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến bệnh viện gặp bác sĩ khi bạn có những thay đổi liên quan đến vết bớt hiện tại hoặc xuất hiện các dấu hiệu mới trên da. Một số thay đổi cần chú ý bao gồm:

  • Chảy máu.
  • Đau.
  • Ngứa.
  • Nhiễm trùng.
  • Tăng kích thước.
  • Các dấu hiệu bất thường khác.

Phương pháp chẩn đoán vết bớt trên da

Bác sĩ thường chẩn đoán vết bớt sau khi khám sức khỏe để xem xét kỹ hơn bất thường trên da. Nếu vết bớt nằm sâu trong da, bác sĩ có thể chỉ định chẩn đoán hình ảnh như MRI (chụp cộng hưởng từ), siêu âm hoặc CT (chụp cắt lớp vi tính). Sinh thiết da được thực hiện nếu vết bớt thay đổi kích thước hoặc hình dạng và có thể là dấu hiệu của ung thư da.

Cách điều trị vết bớt hiệu quả

Nếu vết bớt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, bạn có thể đến các Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da uy tín để được khám và chỉ định phương pháp phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ sẽ khuyên bạn loại bỏ một số vết bớt nếu có nguy cơ phát triển ung thư da.

Các phương pháp loại bỏ vết bớt bao gồm:

1. Thuốc

Có nhiều loại thuốc khác nhau giúp loại bỏ vết bớt, hầu hết các loại thuốc giúp điều trị vết bớt mạch máu hiệu quả hơn vết bớt sắc tố. Thuốc beta-blockers và steroid là những loại thuốc kê đơn giúp thu nhỏ mạch máu, giảm sự xuất hiện của vết bớt. Những loại thuốc này không loại bỏ hoàn toàn vết bớt mà chỉ giảm thiểu sự xuất hiện của chúng.

2. Liệu pháp laser

Với bớt mạch máu, tùy vào từng loại bớt cũng như vị trí và kích thước của bớt mà có thể điều trị bằng phẫu thuật, thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống hoặc laser… Liệu pháp laser giúp thu nhỏ các mạch máu và giảm thiểu sự xuất hiện vết bớt.

Liệu pháp này cần thực hiện nhiều lần để có kết quả tối ưu, có thể gây đau nhưng chỉ xâm lấn tối thiểu. Phương pháp này không hiệu quả 100% mà chỉ giúp màu sắc của vết bớt nhạt dần, không loại bỏ hoàn toàn.

Một số loại bớt sắc tố có thể điều trị được, tùy vào từng loại bớt, vị trí và kích thước của bớt mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm: laser excimer, laser Nd: YAG, liệu pháp quang học (PUVA), phẫu thuật, ghép da…

cơ chế điều trị vết bớt bằng laser
Cơ chế xóa vết bớt bằng laser

3. Phẫu thuật

Nếu thuốc hoặc laser không phù hợp với vết bớt của bạn, lựa chọn thứ 3 là phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ có hiệu quả hơn với các vết bớt sắc tố so với liệu pháp laser hoặc thuốc.

4. Áp lạnh

Liệu pháp áp lạnh: phương pháp này đóng băng vết bớt để loại bỏ các mô bất thường.

Để tối ưu hóa việc điều trị vết bớt, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da bởi các phương pháp điều trị khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Bên cạnh đó, các phương pháp cũng có thời gian điều trị và tác dụng phụ khác nhau nên đòi hỏi sự chuẩn bị phù hợp.

Vết bớt ở trẻ em sau khi trẻ lên 6 tuổi nên được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến tâm lý và chức năng khác của trẻ.

Làm thế nào để ngăn ngừa các vết bớt ở da?

Hiện chưa có cách để ngăn vết bớt xuất hiện ở da. Bạn có thể giảm nguy cơ vết bớt thay đổi màu sắc hoặc phát triển thành ung thư da bằng cách bảo vệ da khỏi tia cực tím, sử dụng kem chống nắng và quần áo che chắn tốt khi ra ngoài.

Một số câu hỏi liên quan

1. Vết bớt có to lên không?

Các vết bớt sắc tố có thể to lên trong quá trình trưởng thành và già đi. Chúng có thể thay đổi màu sắc, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có sự thay đổi hormone. Chúng có thể gây ngứa hoặc chảy máu khi bị thương.

2. Vết bớt có tự hết không?

Vết bớt có thể tự hết hoặc tồn tại vĩnh viễn. Hầu hết các vết bớt xuất hiện sau khi sinh, một số vết bớt mờ dần khi già đi trong khi những vết bớt khác sẽ tồn tại suốt đời, trừ khi được loại bỏ.

3. Vết bớt có di truyền không?

Chỉ có số ít vết bớt do di truyền trong gia đình hoặc đột biến gen. Ví dụ, một số em bé sinh ra với vết bớt rượu vang, tình trạng hiếm gặp này được gọi là hội chứng Klippel-Trenaunay, được gây ra bởi đột biến gen và không phải di truyền.

4. Vết bớt có xóa được không?

Vết bớt có thể xóa được, có các phương pháp loại bỏ hoặc làm mờ vết bớt như liệu pháp laser, sử dụng thuốc, áp lạnh và phẫu thuật cắt bỏ. Màu da, loại vết bớt, vị trí bớt, kích thước của vết bớt và lứa tuổi người bệnh… là những yếu tố chính quyết định phương pháp điều trị.

Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thẩm mỹ da. Tại đây, khách hàng sẽ được cung cấp các dịch vụ làm mờ vết bớt với những ưu điểm như:

  • Hạn chế gây đau và ít tác dụng phụ.
  • Không làm tổn thương các vùng da lân cận.
  • Không cần nhiều thời gian nghỉ dưỡng, người bệnh có thể về trong ngày.
  • Làm mờ vết bớt trong vài lần điều trị.
  • Chỉ mất khoảng từ 5 – 30 phút mỗi lần điều trị.
  • Thực hiện thủ thuật bởi các bác sĩ Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da có bằng cấp và nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các vấn đề về da.
  • Tuân thủ quy trình, an toàn và vệ sinh, tránh được nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng.

Bài viết đã khái quát được khái niệm vết bớt trên cơ thể cũng như một số nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng này. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp làm mờ hoặc xóa bỏ hoàn toàn vết bớt. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Chuyên khoa Da Liễu – Thẩm mỹ Da để lựa chọn phương pháp phù hợp.

Rate this post