THPT SƠN TÂY

Một con người từ khi ra đời đến khi chết đều được đặt tên đầy đủ là theo lối cổ, truyền thống. Đó là tên tục, tên húy, tên chính, tự, hiệu, thụy; rồi biệt danh, biệt hiệu; lại bút danh, bút hiệu dùng đề khi viết văn, làm thơ. Cần lục lại các khái niệm, truy nguyên những tập tục này; mới thấy người xưa trân trọng con người, gửi gắm, kỳ vọng biết bao. Trong cõi thế có bao điều suy ngẫm mà hành xử.

Trong các từ điển Tiếng Việt phổ thông những định nghĩa đều bị giới hạn. “Tên tục”: tên do cha mẹ đặt lúc mới sinh, chỉ để gọi lúc nhỏ; thường xấu xí nhằm tránh sự chú ý quấy phá của ma quỉ. Khuynh hướng chọn tên không cần thâm thúy, chỉ là từ nôm bình thường, có khi tục tĩu (cò, đĩ, hĩm,…). Tục danh, có khi gọi nhũ danh, được thay vào 5-10 tuổi bằng tên chính thức – chính danh – thường là tên Hán Việt, nghe hay, có ý nghĩa. Khi đi học dùng tên này, có người cũng đổi vài tên (Ví dụ: Nguyễn Khuyến (勸 “khuyến”, bộ “lực”: khuyên gắng), nguyên tên Nguyễn Thắng 勝 “thắng”, bộ “lực”: được, hơn), thi mấy lần không đỗ mới đổi tên “Khuyến”). Khi chết tên này thường không được nhắc đến nên gọi là tên húy.

Tự và Hiệu được đặt bởi tầng lớp nho sĩ khi đã trưởng thành. Việc này liên quan đến một trong bốn lế tiết được qui định chặt chẽ. Đó là Quan, Hôn, Tang, Tế. Quan là lễ Gia quan – lễ đội mũ. Nhà thơ Trung Quốc Liễu Tông Nguyên cho rằng: “Người đời xưa coi trọng quan lễ vì lễ này xác nhận sự trưởng thành về mọi mặt của một con người. Đó chính là điều bậc thánh nhân quan tâm bậc nhất. Nguồn gốc của lễ gia quan là lễ Thành đinh (lễ công nhận trở thành trai tráng) trong xã hội thị tộc. Lễ này tiến hành trong ba lần: lần một, chi bố quan – mũ may bằng vải đen, biểu thị từ nay có quyền tham gia cai trị dân chúng; lần hai, bì quan – mũ may bằng da hươu trắng, biểu thị tham gia chinh chiến; lần ba, chịu mũ tước bì – mũ đỉnh bằng màu đen pha sắc đỏ tía, biểu thị tham gia tế tự. Sau đó đến nghi thức đặt tự, người chịu lễ mặc lễ phục, đội mũ lễ, đi bái yết quốc quân, bậc khanh, đại phu, thầy học. Ở nước ta, Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) có bàn về Lễ đội mũ (sách Vũ trung tùy bút). Ông cho biết lâu nay bỏ đi, nên có sự lộn xộn xác định ngôi vị trong các bậc trưởng, ấu, lão, thiếu. Cùng với tình trạng không bàn đến lễ, chỉ người đỗ Hương cống mới theo quan chủ khảo bái quị. Ông lược khảo các khăn mũ một số thời, và nói đến vai trò chế tác khăn mũ của ông Nguyễn Công Hãng (1680 – 1732).

Cách đặt TỰ, nếu chỉ dựa theo từ điển phổ thông, chỉ thấy một vài nét nghĩa; chưa cho biết thao tác, các khuynh hướng đặt tự. Theo GS Nguyễn Tài Cẩn (nhân bàn về từ loại danh từ trong tiếng Việt):

“Tự là một danh từ riêng thường được chọn để giải thích tên gọi chính thức. Vì tên chính thức thường là tên Hán Việt nên cách đặt tự hay đi theo mấy khuynh hướng sau đây:

a) Tìm một câu trong Tứ thư, Ngũ kinh có chứa đựng chữ làm tên, rồi trích ra hai chữ khác để làm tự. Ví dụ Lê Quang Định, đặt tự là Tri Chỉ vì trong Đại học có câu “Tri chỉ nhi hậu hữu định”.

Cũng có thể tìm một câu như trên rồi chỉ trích ra một chữ, nhưng đem chữ đó kết hợp với những chữ như tử, trai, khanh v.v. Chẳng hạn Nguyễn Ứng Long đặt tự là Phi Khanh vì trong kinh Dịch có câu “Phi long tại thiên”

b) Khuynh hướng thứ hai là không dựa vào các câu có sẵn, mà dựa vào điển tích.

– Có thể đây là một điển tích văn học. Ví dụ Lý Văn Phức giải thích tên Phức (nghĩa là “thơm”) bằng cách đặt tự là Lân Chi (= làm người hàng xóm gần có chi) dựa trên điển tích “cỏ chi là một loại cỏ thơm”

– Có thể đây là một điển tích lịch sử . Ví dụ Nguyễn Văn Siêu giải thích tên Siêu của mình bằng cách đặt tự là Tốn Ban (= nhường ông Ban), dựa trên thực tế lịch sử có ông Ban Siêu nổi tiếng (Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr 96-97)

Nhân dịp tra các đặt tự của Nguyễn Bỉnh Khiêm, quả là thâm thúy. Hanh Phủ, “Hanh” là lấy từ Kinh Dịch, quẻ Khiêm, lời Kinh nói: “Khiêm hanh quân tử hữu chung” (quẻ Khiêm hanh thông , đấng quân tử có sau chót). Như vậy, tên tự ở đây là từ Kinh Dịch, lấy ra chữ “Hanh”, có liên hệ với tên “Khiêm”, kết hợp với chữ “phủ” làm thành tự: Hanh Phủ. “Hanh thông” (亨通 ), có nghĩa: hiển đạt, học vấn rộng; thanh thản, trôi chảy. Hanh Phủ là người tôn quí hiển đạt, học vấn rộng.

Cách đặt HIỆU

“Hiệu thường đặt theo mấy lối như sau:

a) Hoặc dựa vào một đặc điểm vùng quê quán (đặc điểm về núi, sông, cây cỏ…) làm có sở, ví dụ: Tản Đà, Quế Đường, Minh Viên…

b) Hoặc dựa vào một nét nào đó trong tính cách mà mình ưa thích để làm cơ sở, ví dụ: Nghị Trai, Lãn Ông…

c) Gần đây lại xuất hiện thêm những khuynh hướng mới như sắp xếp lại các chữ cái trong tên để đặt hiệu, ví du:

Khánh Giư > Khái Hưng;

Thứ Lễ > Thế Lữ;

Hoặc đặt hiệu thuần nôm, ví dụ:

Thợ Rèn, Thép mới,… (tr97, sách trên). (Lê Văn Bái > Leiba)

Nguyễn Công Hoan (Nhớ gì ghi nấy, nxb Hội nhà văn,1998) cho biết:

“Người viết văn thường có biệt hiệu, theo điển tích ở sách. Ví dụ: Thái Phỉ, Nguyễn Đức Phong (rau phỉ, rau phong), Sở Cuồng Lê Dư (Người cuồng nước Sở, tên là Dư).

Về sau người ta làm biệt hiệu bằng nhiều cách: Nói lái tên, như Nguyễn Thứ Lễ, đặt là Thế Lữ (đi trên đường đời ); đảo lộn trật tự chữ cái của tên mình: Khánh Giư viết là Khái Hưng; viết chữ tắt: Họa sĩ Trần Quang Trân lấy chữ “Người yêu mợ”, đặt tên là Ngym. Đái Đức Tuấn lấy chữ “Tôi chẳng yêu ai”, đặt tên là Tchya (bị đọc đùa là Tẩy xia).

Hồi mình bị kiểm duyệt của Pháp treo giò, mình viết truyện cho trẻ con, lấy tên là Ngọc Oanh (đảo lộn chữ cái của tên Công Hoan)” (tr 591-592)

Theo PGS TS Trịnh Khắc Mạnh, ông đã tra cứu đưa ra được 1.108 tên tự , tên hiệu, đạo hiệu, biệt hiệu khác nhau của 788 tác gia Hán Nôm Việt Nam.

Tìm hiểu về tên Tự, tên Hiệu của các nhà chính trị, văn hóa, trí thực từ đầu thế kỷ XX, hẳn cũng có nhiều điều bổ ích, lý thú.

Rate this post