Lam Điền

quan san là gì
quan san là gì

Người lên ngựa kẻ chia bàorừng phong thu đã nhuốm màu quan san…

Màu quan san là cái màu ra làm sao vậy cà?

Hồi nhỏ đọc truyện Kiều, cảm khái nhất là âm hưởng nhạc điệu trong đoạn Thúc Sinh tạm biệt Thúy Kiều, với hình ảnh “rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, nghe cứ rưng rưng, nhất là những lúc vừa đi rẫy vừa đọc Kiều, khi ấy nắng vàng cát trắng, rừng cây xanh xanh theo từng bước chân càng làm tăng thêm phần cảm khái…

Lớn lên một chút, bắt gặp cái tứ thần kỳ của Vương Bột: Quan san nan việt, thùy bi thất lộ chi nhân/ Bình thủy tương phùng, tận thị tha hương chi khách, (Quan san khó vượt, ai thương cho kẻ cùng đường/ Bèo nước gặp nhau, cũng là khách tha hương nơi xó chợ). Cùng một chữ quan san, nghĩa đen thì là “ải núi”, nhưng mỗi khi gặp phải, dù lúc Thúc Sinh lên đường giã biệt người yêu hay cuộc hội ngộ danh sĩ nơi Đằng Vương Các, đều tự thấy cái độ rung cảm của nét nghĩa “quan san” thật khác thường. Có lẽ, tâm hồn mơ mộng thường hướng về những cuộc ra đi, như cái buổi chiều đông năm nọ, mấy chị em ra đứng sau vườn, nhìn ra ngọn núi Tầm Ru, mơ mộng có một ngày mình trèo qua cái đỉnh cao chót vót đó, để xem “có gì bên kia núi vậy”.

Mà có hay đâu đến chừng cuộc sống dồn chân mình vào những cuộc ra đi, thì thấy cái nghĩa quan san kia còn nhiều dâu biển lắm. Năm thứ nhất đại học, càng gần đến tết, càng thấy nhớ nhà, chao ơi là nhớ, sao từ nhỏ chẳng bao giờ mình mong đến tết, mà đến năm này, lại mong đến quay quắt khôn nguôi. Có lẽ, những tung hứng của bất trắc cuộc đời đến lúc đó đã đốt bùng lên ngọn lửa mong muốn về quê, mong muốn ngồi bệt xuống hiên nhà, để nghe mùa xuân đến, để nghe gió đông thổi lùa từ nhà sau ra nhà trước, nghe hàng xóm mở nhạc, thế nào cũng có bài “nếu chiều nay lỡ hẹn không về, thì xuân năm nay, xuân sẽ buồn, sẽ buồn hơn mấy cội mai già…”. Trời ơi, nhớ quá, nên trước tết hai tháng phải ra sức đi làm thuê, làm bất kỳ việc gì miễn kiếm được tiền mặt (không chấp nhận làm công trừ cơm) để dành dụm đủ tiền xe về quê và sau tết vào học lại. Bè bạn vẫn vô tư, năm đầu mới gặp chẳng ai biết ai, nhiều lúc nhìn những rộn ràng xúng xính xênh xang của sinh viên thành phố, mới thấm thía cái niềm tâm sự của ca dao: Cây khô cành lá cũng khô/ phận nghèo đi tới chỗ mô cũng nghèo… Ấy vậy mà cũng dành dụm được tiền về quê, chẳng có chia tay chia chân, chỉ vác cái vạt giường xuống gửi cho ban quản lý KTX, rồi thẳng đường ra đón xe. Và đến lúc về ngang vạt rừng cao su ở Đồng Nai, bỗng choáng ngợp trước cảnh hàng loạt cánh rừng đang trụi lá, mình không biết cây cao su thay lá vào mùa nào trong năm, nhưng cảnh tượng của ngày giáp tết năm ấy thực sự gây một cảm giác choáng ngợp vì vẻ điêu tàn. Và ngay trong khoảnh khắc xe đò chạy quang qua quãng đó, bỗng dưng câu Kiều ấy lại vang lên: Người lên ngựa kẻ chia bào/ rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Có lẽ, chính cái tứ “màu quan san” bị khơi dậy khi chứng kiến một màu rừng trơ trụi ấy, chứ thời khắc bấy giờ thì đâu phải mùa thu.

Vậy là, cái “màu quan san” nọ cứ bị đánh thức mỗi khi chân bước đến những chặng đổi thay – dù của lòng người hay trên từng dặm dài đất nước. Cụ Tam nguyên Trần Bích San tâm đắc với ý tưởng “nhân bất phong sương…” khi đi qua ải Hải Vân, thì cái “màu quan san” cũng theo đó mà nhuốm đều trên những bước đường lưu lạc. Có khi sảng khoái muốn hét lên như lúc đứng trên cột cờ Lũng Cú nhìn núi đá điệp trùng ẩn hiện trong đó là những cao điểm còn nặng nợ máu xương, có lúc ngậm ngùi trong cơn bão mùa đông phải nếm mùi “mưa Đồng Cọ, gió Tu-bông”, có lúc bất ngờ khi thấy cánh rừng miền đông vào mùa thay lá xanh non, và chen trong những ngả đường đất đỏ là đàn em áo trắng đang buổi tan trường…

Và mới đây, bắt gặp cây phong đang mùa lá đỏ tại rừng Thạch Lâm – Vân Nam, nghĩ có lẽ cái tứ “rừng phong thu đã…” của cụ Nguyễn Du chắc nói về cây này đây, bèn nói với mấy người trong đoàn, nhưng hình như ai cũng đang mải mê với khu danh thắng ở chỗ thông tin rằng nơi này từng là phim trường Tây Du Ký, còn chuyện cây phong với lại Thúc Sinh, thì chẳng ai biết đấy là đâu…

Màu quan san dành cho những cuộc viễn hành, từng nhuốm đậm đổi thay trên những phận người, trên những mảnh đời, trong nỗi niềm người lấy những chuyến xê dịch làm tâm sự…

Đại khái vậy,

28-9-2010

Rate this post