Công dụng chữa bệnh của ngẩu pín

pín bò là gì
pín bò là gì

Ngẩu pín là món ăn được chế từ dương vật và tinh hoàn của một số động vật như chó, bò, trâu, dê, hải cẩu, hươu, hổ… Ngẩu pín tính ấm nóng, có công dụng bổ thận, tráng dương.

Theo y học cổ truyền, dương vật và tinh hoàn của các động vật đều thuộc về tạng thận và được gọi là “ngoại thận” (để phân biệt với “nội thận”, tức là quả thận có chức năng bài tiết nước tiểu). Chức năng của tạng thận trong Đông y rất phong phú, ngoài việc bài tiết nước tiểu, nó còn liên quan đến việc sinh tủy, sinh xương, đến sinh dục và một số chức năng nội tiết khác.

Bệnh của tạng thận phần nhiều thuộc chứng hư, được chia làm hai thể cơ bản là thận dương hư và thận âm hư. Ngẩu pín có tác dụng chữa chứng thận dương hư; những người bị thận âm hư không được dùng.

Triệu chứng thận dương hư: Sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng gối đau mỏi, liệt dương, lãnh tinh, di tinh, xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục, tiểu tiện nhiều lần về đêm, đi tiểu không cầm được hoặc hay bị sót lại…

Triệu chứng thận âm hư: Cơ thể gầy khô, hay có cảm giác nóng hâm hấp về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức bối không yên, họng khô, miệng khát, ra mồ hôi trộm; hay ù tai, hoa mắt, chóng mặt; tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo; có thể bị di tinh, liệt dương.

Các cách chế biến

Ngẩu pín có nhiều cách dùng, có thể sấy khô tán thành bột, nấu thành cao hoặc ngâm rượu để uống. Cũng có thể chế biến cùng các loại thực phẩm khác thành các món ăn hấp dẫn.

– Tán bột: Ngẩu pín làm sạch, sấy khô (hoặc rang trong chảo cát nóng cho thật khô) rồi tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 2 g với nước muối nhạt.

– Nấu cao: Ngẩu pín làm sạch, băm nhỏ rồi cho rượu và đường phèn vào nấu nhừ thành cao. Mỗi ngày uống 1-2 lần với nước ấm, mỗi lần 1 thìa canh.

– Ngâm rượu: Ngẩu pín làm sạch, thái miếng, sấy khô rồi ngâm với rượu tốt. Thường một bộ ngẩu pín ngâm với 1.500 ml rượu, sau 15 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ.

– Nấu canh: Ngẩu pín làm sạch, thái miếng rồi nấu cùng các thực phẩm khác hoặc một số vị thuốc như hoàng kỳ, đẳng sâm… thành các món canh.

Một số công thức thường dùng

– Ngẩu pín chó hoặc bò 1 bộ, thịt dê 500 g. Tất cả làm sạch, thái miếng, hầm kỹ, chế thêm gia vị rồi ăn.

Công dụng: Trị liệt dương, tay chân lạnh giá do dương hư.

– Ngẩu pín chó, ngẩu pín bò, thịt dê mỗi thứ 100 g; thỏ ty tử, nhục dung, kỷ tử mỗi thứ 10 g; rượu vang, hạt tiêu, gừng tươi, hành, mỡ và gia vị vừa đủ. Ngẩu pín và thịt dê rửa sạch rồi chần qua nước sôi để loại bỏ nước huyết, cho vào nồi cùng gia vị hầm chín bằng lửa nhỏ. Thỏ ty tử, nhục dung và kỷ tử thì cho vào túi vải. Khi ngẩu pín và thịt dê chín, dùng vải sạch lọc bỏ các gia vị rồi cho túi thuốc vào đun tiếp cho thật nhừ. Lấy ngẩu pín và thịt dê ra, thái miếng, cho vào bát rồi đổ nước hầm vào, chế thêm gia vị.

Công dụng: Trị liệt dương, đàn bà khó thụ thai do tử cung lạnh.

– Ngẩu pín dê 1 bộ, bạch tật lê, long nhãn, dâm dương hoắc, tiên mao, ý dĩ mỗi thứ 120 g. Tất cả đem ngâm với rượu, uống mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần 15-20 ml.

Công dụng: Bổ thận, tráng dương, khu phong, trừ thấp, dùng để chữa các chứng liệt dương, lưng đau gối mỏi, tinh lạnh do thận dương hư.

– Ngẩu pín hươu 1 bộ, nhục dung 60 g, gạo tẻ vừa đủ. Ngẩu pín làm sạch, thái miếng rồi hầm cùng nhục dung và gạo tẻ thành cháo, chế thêm gia vị rồi ăn.

Công dụng: Trị liệt dương, xuất tinh sớm, lưng đau gối mỏi, tay chân lạnh giá do thận dương hư.

ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống

Rate this post