Vỡ ối là gì? Dấu hiệu nhận biết, khi vỡ túi ối mẹ bầu cần làm gì?

oi là gì
oi là gì

Vỡ ối là một trong những dấu hiệu quan trọng báo hiệu mẹ sắp bước vào cuộc “vượt cạn”, thai nhi đã đến lúc chào đời. Vậy làm thế nào để nhận biết hiện tượng vỡ ối và khi vỡ ối mẹ bầu cần làm gì để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con? Cùng lắng nghe chia sẻ của bác sĩ Dương Việt Bắc, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong bài viết dưới đây.

vỡ ối là gì

Vỡ ối là gì?

Vỡ ối là hiện tượng túi ối bị vỡ, làm rò rỉ chất lỏng và chảy ra ngoài theo ngả âm đạo của mẹ. Túi ối còn gọi là túi thai, chứa nước ối giúp bao bọc và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi tránh nhiễm khuẩn từ bên ngoài. Đây cũng chính là môi trường nuôi dưỡng thai nhi trong suốt 40 tuần nằm trong bụng mẹ.

Bác sĩ Việt Bắc cho biết, vỡ ối là hiện tượng cho thấy cơ thể mẹ đã sẵn sàng cho việc sinh nở. Túi ối có thể vỡ trước hoặc trong cuộc sinh, ở thời điểm mà mẹ bắt đầu nhận thấy những cơn co thắt ở tử cung, đồng thời cổ tử cung cũng mỏng dần và mở rộng ra để thuận tiện cho thai nhi chào đời. (1)

Đa phần hiện tượng vỡ ối xuất hiện khi thai nhi đã đủ tháng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mẹ bị vỡ ối sớm hơn thời gian dự sinh. Nếu túi ối bị vỡ trước khi bắt đầu các cơn co thắt tử cung được gọi là vỡ ối sớm (PROM – prelabor rupture of membranes). Thống kê cho thấy, khoảng 10% những ca sinh đủ tháng có ối vỡ sớm. Thường vỡ ối theo kiểu nhỏ giọt hơn là thành dòng.

Túi ối vỡ cũng có thể xảy ra rất lâu sau khi chuyển dạ, nhưng cũng có mẹ bị rò rỉ ối trong thời gian dài trước khi sinh gây ra hiện tượng cạn ối. Do đó, điều quan trọng nhất là mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu vỡ ối.

túi ối giúp bảo vệ thai nhi
Túi ối là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ

Ối có thể vỡ sớm hơn so với ngày dự sinh không?

Như đã chia sẻ, một số mẹ bầu có thể bị vỡ ối trước khi thai đủ tháng hoặc khi mang thai được 37 tuần, được gọi là vỡ ối sớm (PROM). Mẹ sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn nếu nằm trong các trường hợp sau: (2)

  • Tiền sử vỡ ối non ở lần mang thai trước.
  • Viêm màng bào thai (nhiễm trùng trong ối).
  • Chảy máu âm đạo thai kỳ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba (3 tháng giữa và 3 tháng cuối).
  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy, chất kích thích khi mang thai.
  • Thiếu cân do dinh dưỡng kém.
  • Chiều dài cổ tử cung ngắn.
  • Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm nhiễm trùng mẹ hoặc thai nhi, nhau bong non hoặc các vấn đề ở dây rốn.

Dấu hiệu vỡ ối dễ nhận biết

Hầu hết mẹ bầu, nhất là những người mang thai lần đầu thắc mắc vỡ ối có hiện tượng gì. Dấu hiệu rõ ràng nhất của vỡ ối là sự xuất hiện của những cơn co tử cung với tần suất thường xuyên, khá giống với cơn gò khi chuyển dạ. Khi túi ối vỡ, mẹ sẽ cảm giác nghe được tiếng “bục” và sau đó thấy nước chảy ra từ âm đạo khá nhiều.

Cảm giác vỡ ối ở mỗi mẹ bầu không giống nhau. Có mẹ cảm thấy một dòng chất lỏng đột ngột tuôn ra từ âm đạo, dòng chảy nhanh và mạnh, khó kiểm soát nhưng không hề đau đớn. Có mẹ lại chỉ thấy nước ối chảy dòng nhỏ, chầm chậm xuống dưới chân hoặc chỉ ẩm ướt ở quần lót. Chính điều này khiến nhiều mẹ hoang mang không biết đó là nước ối hay nước tiểu hoặc dịch tiết âm đạo.

Để biết chính xác đó có phải là vỡ ối hay không, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường vào những ngày cận ngày dự sinh, mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và can thiệp xử trí kịp thời.

đến bệnh viện khi xuất hiện dấu hiệu vỡ túi ối
Khi nghi ngờ có dấu hiệu vỡ ối, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn cách xử trí

Có thể nhận biết nếu túi ối sắp vỡ không?

Câu trả lời là KHÔNG. Không có dấu hiệu nào báo hiệu rằng túi ối sắp vỡ, tuy nhiên hầu hết mẹ bầu sẽ chuyển dạ và gặp các cơn co thắt tử cung trước khi vỡ ối. Vì thế, nếu đang chuyển dạ và trải qua các cơn co thắt, túi ối của mẹ có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Vỡ ối sau bao lâu thì sinh?

Đa số mẹ bầu sẽ chuyển dạ trong vòng 12 giờ sau khi vỡ ối, tuy nhiên điều này có thể xảy ra sớm hơn. Thường nếu vỡ ối sau tuần thứ 37, mẹ sẽ chuyển dạ trong vòng 5 giờ sau đó. Nếu vỡ ối trước tuần thứ 37, khoảng 32-34 tuần, mẹ sẽ chuyển dạ sau 4 ngày đến 1 tuần. (3)

Khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, có thể mất từ 10 đến 24 giờ hoặc nhiều hơn để trải qua 3 giai đoạn chuyển dạ trước khi thai nhi chào đời là:

  • Giai đoạn 1: đầu tiên mẹ bị vỡ ối và co thắt tử cung mạnh, cổ tử cung dần mở rộng ra đến khi đạt đỉnh 10cm.
  • Giai đoạn 2: mẹ rặn sinh và thai nhi chào đời.
  • Giai đoạn 3: sổ nhau thai và ca sinh hoàn thành.

Trường hợp túi ối đã vỡ nhưng mẹ vẫn không thể sinh thường, bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách mổ bắt thai ra ngoài để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi. Bởi nước ối để càng lâu, nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi càng cao.

Xem thêm: Vỡ ối mà tử cung chưa mở có nguy hiểm không?

Tuy nhiên, cũng có nhiều mẹ lên bàn sinh nhưng vẫn chưa có hiện tượng vỡ ối. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật bấm ối để rút ngắn thời gian chuyển dạ, để nước ối chảy ra ngoài từ từ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chuyển dạ.

Với những trường hợp ối vỡ sớm trước tuần thứ 37 của thai kỳ, phụ thuộc vào tuổi thai ở thời điểm vỡ ối mà bác sĩ sẽ có hướng can thiệp xử trí phù hợp. Nếu tuổi thai lớn có thể can thiệp sinh bé ngay, nhưng nếu tuổi thai nhỏ cần chăm sóc và tiếp tục dưỡng thai.

“Khi phát hiện dấu hiệu vỡ ối, điều quan trọng nhất là thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra nhanh chóng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử trí tốt nhất, đảm bảo sự an toàn cho cả hai mẹ con”, bác sĩ Việt Bắc chia sẻ.

đồ đi sinh cần chuẩn bị
Mẹ bầu cận trong những tuần cuối thai kỳ cần chuẩn bị sẵn sàng đồ đi sinh để di chuyển ngay đến cơ sở y tế khi có hiện tượng vỡ ối

Khi vỡ ối mẹ bầu cần làm gì?

Việc vỡ ối trước ngày dự sinh là điều hết sức bình thường, do đó mẹ không cần quá lo lắng. Khi nghi ngờ túi ối bị vỡ, mẹ cần nhớ những việc nên và không nên làm sau đây: (4)

Không nên:

  • Không sử dụng tampon nhét vào âm đạo.
  • Không tắm hoặc quan hệ tình dục.

Nguyên nhân bởi lúc này môi trường vô trùng bảo vệ thai nhi đã bị vỡ, mẹ cần tránh làm những việc trên để bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ nhiễm trùng.

Nên:

  • Ghi lại thời điểm thấy nước chảy ra từ âm đạo, số lượng, tính chất và màu sắc của chất lòng.
  • Sử dụng băng vệ sinh hoặc bỉm cho mẹ bầu và quần lót vô khuẩn để thấm bớt chất lỏng.
  • Kiểm tra lại những đồ dùng cần thiết khi đi sinh và di chuyển ngay đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn sinh nở.

Nếu mẹ vỡ ối sau tuần thứ 37 thai kỳ, bác sĩ có thể yêu cầu theo dõi tại bệnh viện khoảng vài giờ để xem có dấu hiệu chuyển dạ sinh hay không. Một số trường hợp có thể khởi phát chuyển dạ. Hầu hết thai phụ sẽ chuyển dạ sinh trong vòng 12 giờ.

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ sinh ra từ mẹ được khởi phát chuyển dạ ngay ít bị nhiễm trùng hơn, ít cần được chăm sóc đặc biệt hơn và xuất viện sớm hơn so với những trẻ có mẹ lựa chọn theo dõi và chờ đợi lâu sau khi vỡ ối. Vì thế, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho cả hai mẹ con.

Bác sĩ Việt Bắc chia sẻ thêm, nhiều thai phụ nhất là những người mang thai lần đầu sợ rằng chất lỏng chảy ra từ âm đạo chỉ là nước tiểu, sợ xấu hổ không dám đến ngay cơ sở y tế, kéo dài thời gian chờ đợi vô tình dẫn đến can thiệp sinh chậm trễ.

Mẹ cần biết rằng, không phải chỉ có duy nhất mẹ là người mắc phải sự nhầm lẫn này. Điều quan trọng và cần ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của hai mẹ con, do đó mẹ nên đến ngay cơ sở y tế ngay lập tức để được bác sĩ kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Cần nhập viện sớm trong trường hợp nào?

Một số tình huống nguy hiểm mẹ cần đến ngay cơ sở y tế, bao gồm:

1. Nước ối có đặc điểm bất thường

Nước ối có những đặc điểm bất thường như có mùi hôi, tanh, có lẫn máu hoặc có màu vàng, xanh rất có thể lẫn phân su của thai nhi. Mẹ cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời bởi nếu thai nhi hít phải phân su rất nguy hiểm.

2. Ối vỡ trước ngày dự sinh

Mẹ bị vỡ ối trước tuần thứ 37 của thai kỳ cần đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi sát sao, tránh các biến chứng nguy hiểm. Với các trường hợp ối vỡ sớm, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng xử trí phù hợp. Có thể hoãn việc sinh nở đợi đến khi thai nhi phát triển tốt hơn. Trong thời gian đó có thể sử dụng thêm steroid giúp phổi thai nhi trưởng thành.

3. Vỡ ối nhưng không đau đẻ

Nếu nhận thấy có chất lỏng chảy ra từ âm đạo nhưng không có cơn đau, không chắc chắn có phải vỡ ối hay không, mẹ cũng cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra. Khi vỡ ối, thai nhi không còn được nuôi dưỡng và bảo vệ trong môi trường vô trùng, phải sinh ngay miễn là thai nhi đã đủ tháng.

Tham khảo: Vỡ ối nhưng không đau đẻ là gì?

4. Các triệu chứng khác đi kèm

Ngoài những biểu hiện trên, mẹ cũng cần đến ngay cơ sở y tế nếu xuất hiện các triệu chứng sau vào những tuần cuối thai kỳ:

  • Sốt, cơ thể mệt mỏi và đổ mồ hôi thường xuyên.
  • Xuất hiện những cơn đau ở vùng bụng liên tục và kéo dài.
  • Thai nhi giảm cử động.

Một số dấu hiệu sắp sinh khác mẹ bầu cần biết

Bên cạnh hiện tượng vỡ ối, mẹ bầu có thể dựa vào các dấu hiệu sắp sinh khác để nhận biết cuộc “vượt cạn” sắp diễn ra, chẳng hạn như:

  • Tăng tiết dịch âm đạo: khi mang thai dịch âm đạo dày đặc để chặn lỗ cổ tử cung, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tử cung. Bước vào cuối tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ), nút này sẽ bị đẩy vào bên trong âm đạo nên mẹ có thể nhận thấy sự tăng tiết dịch.
  • Thai nhi tụt xuống thấp hơn: nếu đây là lần đầu mang thai, mẹ sẽ thấy thai nhi tụt xuống khung xương chậu vào khoảng một vài tuần trước khi bước vào giai đoạn chuyển dạ.
  • Chuột rút và đau lưng nhiều hơn: đây là dấu hiệu cho thấy các cơ và khớp của mẹ căng ra để chuẩn bị cho việc thai nhi chào đời.

Hy vọng qua bài viết này mẹ đã biết vỡ ối là thế nào, từ đó chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và thoải mái để trải qua cuộc “vượt cạn” nhẹ nhàng. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào khác, mẹ có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia – bác sĩ Sản Phụ khoa hỗ trợ!

Rate this post