Đứa trẻ thích nói leo ngắt lời người khác, đánh mắng là hạ sách, đây mới là cách chuẩn trị con “tâm phục khẩu phục”

Thực tế trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, hầu như bố mẹ nào cũng đã từng gặp phải tình huống bản thân đang nói chuyện với người khác, hoặc nói chuyện điện thoại thì bị con chen ngang, ngắt lời khiến cho quá trình giao tiếp của người lớn với nhau bị gián đoạn.

Điều này là bình thường, không hiếm gặp ở nhiều đứa trẻ nhưng đôi khi sẽ khiến bố mẹ cảm thấy khó chịu, bực bội. Đặc biệt là đối với những đứa trẻ đang trong quá trình phát triển ngôn ngữ, có nhu cầu muốn được thể hiện bản thân thì hành vi này lại càng thể hiện mạnh mẽ.

An An là một cô bé rất thích thể hiện suy nghĩ của mình và thường nói rất nhiều trong lớp học. Tuy nhiên, vì An An thường nói chuyện liên tục và không đợi người khác hoàn tất ý kiến của mình, nhiều lần cô bị bạn bè xa lánh, tỏ ra khó chịu và không muốn chơi với cô bé nữa.

Trẻ hay nói leo, ngắt lời người khác sẽ dễ gây mất thiện cảm với mọi người trong quá trình giao tiếp (Ảnh minh hoạ Internet).

Trẻ hay nói leo, ngắt lời người khác sẽ dễ gây mất thiện cảm với mọi người trong quá trình giao tiếp (Ảnh minh hoạ Internet).

Một hôm, khi lớp học được chia thành các nhóm để làm một bài tập, An An đã rất vui vẻ và muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn trong nhóm. Tuy nhiên khi An An nói, các bạn trong nhóm lại thấy khó chịu vì An An nói quá nhiều, thường luôn ngắt lời người khác mà không cho mọi người nói hết câu. Vì điều này mà cả nhóm cãi nhau, không thể thống nhất được bài tập.

Sau đó, giáo viên của lớp đã nhận ra tình huống của An An và quyết định nói chuyện riêng với cô bé. Giáo viên đã thể hiện sự quan tâm và lắng nghe những suy nghĩ của An An, và cho cô bé biết rằng nói chuyện nhiều không phải là điều xấu, nhưng cô cần phải học cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.

Đồng thời, giáo viên đã hướng dẫn An An cách đặt câu hỏi và thể hiện suy nghĩ của mình một cách lịch sự, tôn trọng người khác. Nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của cô giáo, An An đã biết cách tiết chế và khéo léo hơn trong việc giao tiếp, cô bé đã không còn nói leo quá nhiều như trước nữa. Cuối cùng An An cũng đã có thể hoà nhập một cách vui vẻ với các bạn, và những bài tập nhóm sau đó cũng diễn ra rất suôn sẻ.

Theo quan điểm của chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, việc hỗ trợ và giúp đỡ trẻ trong quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội là vô cùng quan trọng. Khi trẻ được hỗ trợ và giúp đỡ, trẻ có thể phát triển các kỹ năng cần thiết để tương tác và giao tiếp hiệu quả với người khác. Tránh được những thói quen giao tiếp không tốt, đặc biệt là nói leo, ngắt lời người khác, hành vi này nếu không được bố mẹ chỉnh đốn kịp thời thì sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp của trẻ về sau.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG – TPHCM.

Thưa chuyên gia, nguyên nhân vì sao một đứa trẻ hay nói leo? Trẻ ở độ tuổi nào thì hành vi này càng được thể hiện mạnh mẽ?

Có nhiều nguyên nhân vì sao một đứa trẻ hay nói leo. Thứ nhất, có thể là đứa trẻ đó có tính cách hướng ngoại, ngôn ngữ phát triển tốt. Nguyên nhân thứ hai có thể là do giáo dục, thông qua quá trình quan sát thấy bố mẹ, anh chị em, hàng xóm thường xuyên ngắt lời nhau cho nên đứa trẻ học tập theo một cách vô thức.

Nguyên nhân thứ ba có thể là vì khi trẻ nói leo, bố mẹ đã không có sự can thiệp để ngăn chặn cho nên trẻ nghĩ rằng việc người khác đang nói và mình có ý tưởng muốn xen vào là chuyện bình thường.

Trẻ ở độ tuổi mầm non là lúc mà trẻ nhìn thế giới qua “lăng kính” của bản thân. Trong giai đoạn này trẻ sẽ xem mình là trung tâm để nhận biết và tìm hiểu về mọi thứ xung quanh. Vì vậy nếu ở độ tuổi mầm non, trẻ không được bố mẹ giám sát và rèn luyện thì đây sẽ là độ tuổi mà trẻ bắt đầu manh nha, phát triển việc nói leo. Sau đó khi trẻ bước vào cấp 1, khả năng ngôn ngữ phát triển mạnh, phong phú hơn thì hành vi nói leo của trẻ sẽ dần được định hình.

Có ý kiến cho rằng “Đứa trẻ hay nói leo là đứa trẻ hỗn xược, tỏ ra chống đối”, chuyên gia có quan điểm như thế nào về ý kiến trên? Lúc này, bố mẹ có nên dùng biện pháp mạnh để xử lý ngay tình huống trẻ nói leo và vì sao?

Theo quan điểm cá nhân, ý kiến này vừa đúng lại vừa sai. Trong nét văn hoá của người Việt Nam thì một đứa trẻ nói leo, cướp lời, hay còn được ví von là “nhảy vào miệng” người lớn thì đó sẽ là một hành vi thể hiện đứa trẻ không phải là đứa trẻ ngoan. Lúc này, đứa trẻ hầu như sẽ tỏ ra thái độ không quan tâm đến lời của người khác mà chỉ tập trung vào những quan điểm riêng của bản thân.

Tuy nhiên, không tránh được trường hợp là đứa trẻ nói leo vì thói quen thôi, chứ không tỏ thái độ hỗn xược hay chống đối. Đơn giản đây là một cách sống, một kỹ năng mà đứa trẻ được rèn từ trong gia đình hoặc nhà trường mà thôi. Cho nên không thể đưa ra nhận định chắc chắn rằng, đứa trẻ nói leo là đứa trẻ hỗn xược hay tỏ ra chống đối. Người lớn cần phải quan sát và tìm hiểu bối cảnh dẫn đến hành vi nói leo của trẻ, thì mới có thể đưa ra lời đánh giá khách quan nhất.

Ngay từ ban đầu, nếu một đứa trẻ nói leo khi giao tiếp với mọi người bên ngoài xã hội thì thói quen này thực chất đã được hình thành từ trong gia đình trước. Khi bố mẹ không có sự điều chỉnh kịp thời ngay từ đầu, mà để nó trở thành thói quen đối với trẻ thì đến thời điểm này, dù bố mẹ có dùng biện pháp mạnh đi chăng nữa thì cũng sẽ rất khó để thay đổi được trẻ.

Chuyên gia đã gặp trường hợp nào đứa trẻ thích nói leo? Tại thời điểm trẻ nói leo, chen vào câu chuyện của nhiều người, có phải việc nhận được lời khen như “bé dạn dĩ, lanh lợi quá” thì việc nói leo sẽ càng được thể hiện hưng phấn hơn?

Tôi gặp rất nhiều trường hợp đứa trẻ thích nói leo và phần lớn nó đều đến từ việc bố mẹ không dạy dỗ, hoặc dạy dỗ một cách qua loa. Bố mẹ hầu như không giải thích cho trẻ hiểu nguyên nhân vì sao con không được có hành động này, thế nên đứa trẻ thường tỏ ra ức chế thay vì nhận ra vấn đề để thay đổi. Điều này càng làm cho trẻ cảm thấy hoang mang, không biết khi nào thì mình được phép nói và khi nào thì không.

Ngoài ra, tại thời điểm trẻ nói leo, nếu bé nhận được lời khen như “con dạn dĩ, lanh lợi quá” thì việc nói leo sẽ càng được thể hiện hưng phấn hơn. Bởi vì lúc này trẻ sẽ cảm thấy hành vi của mình là tích cực. Thực chất, việc trẻ đóng góp quan điểm, ý kiến của bản thân trong một cuộc giao tiếp là một điều đáng biểu dương, tuy nhiên ở đây người lớn cần dạy trẻ về tính phù hợp, không chỉ ở việc nói gì mà còn là nói với ai và nói khi nào?

Vậy nên đối với tôi, tôi vẫn sẽ khen một đứa trẻ là dạn dĩ, lanh lợi trong tình huống này, nhưng tôi sẽ hướng dẫn thêm cho trẻ hiểu về kỹ năng giao tiếp đúng đắn hơn. Khi được góp ý và nhận thức rõ rằng mình phải đợi cho người lớn nói hết câu, thì mình mới được phép nói, như vậy trẻ sẽ biết cách tiết chế và giao tiếp phù hợp hơn.

Việc khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, trình bày ý kiến là tốt, nhưng nó đồng thời cũng khiến tính nói leo của trẻ “nặng hơn”, thưa chuyên gia điều này là đúng hay sai? Bố mẹ nên trị trẻ hay nói leo như thế nào là hiệu quả?

Tôi nghĩ ý kiến trên là đúng, nhưng nó không phải là đồng thời. Vấn đề ở đây vẫn là ở cách giáo dục và giải thích của người lớn, đặc biệt là bố mẹ ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Nếu bố mẹ nghĩ rằng, vì đứa trẻ còn nhỏ nên không biết gì hiểu gì, thì điều này là hoàn toàn sai. Ngay tại thời điểm con nói leo, ngắt lời người khác thì bố mẹ phải thực sự nghiêm túc, bằng một sự bình tĩnh để giải thích cho trẻ hiểu.

Có thể trẻ sẽ nhanh quên lời dạy của bố mẹ, và bố mẹ cần phải giải thích thêm nhiều lần sau đó. Nhưng hãy cho trẻ biết rõ về giới hạn của bản thân trong việc phát biểu ý kiến. Tôi tin rằng, khi đứa trẻ hiểu được thì điều này sẽ không khiến cho đứa trẻ bị giảm đi khả năng trình bày quan điểm của mình, mà còn giúp trẻ tinh tế hơn trong giao tiếp.

Tôi không khuyến khích việc bố mẹ trị trẻ nói leo khi con đã hình thành thói quen này. Bởi vì quan điểm của tôi là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì vậy ngay từ ban đầu, bố mẹ nên đồng hành và rèn luyện trẻ. Nhưng nếu trường hợp trước đây bố mẹ giáo dục thất bại hoặc bây giờ mới phát hiện ra vấn đề, thì tôi luôn khuyến khích bố mẹ hãy trị trẻ nói leo bắt đầu từ sự giải thích cho đến khi trẻ thực sự hiểu và ghi nhớ nó.

Sau đó bố mẹ và những người thân trong gia đình hãy làm tấm gương tốt cho trẻ noi theo. Như vậy thì không chỉ có lời giải thích suông, mà lời nói đi đôi với hành động thực tế trong sinh hoạt hàng ngày sẽ khiến việc giáo dục của bố mẹ đạt được hiệu quả tốt hơn.

Rate this post