Ngựa ô anh khớp…!

ngựa đen gọi là gì
ngựa đen gọi là gì

Là người Nam bộ hầu như ai cũng thuộc bài dân ca “Lý ngựa ô”: “Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vàng (ư…)/ Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen/ Búp sen lá dặm, giây cương nhuộm thắm/ Cán roi anh bịt đồng thòa…”. “Búp sen lá dặm” không có nghĩa. Đúng ra là “búp sen lá giậm”, theo “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của thì “lá giậm” là “đồ lót hai bên hông ngựa, chính chỗ người ngồi cặp hai vế”. Nó phải hình búp sen thì ngồi cưỡi mới chắc chắn.

Giai điệu tươi vui ngộ nghĩnh diễn tả tâm trạng vui phơi phới của chàng trai được cưới vợ. Giai điệu bài hát rộn ràng đi theo nhịp ngựa chạy đón dâu: “Là đưa ý a đưa nàng, đưa nàng/ Anh đưa nàng về dinh/ Là đưa ý a đưa nàng, đưa nàng/ Anh đưa nàng về dinh…”. Bài hát phổ biến, dân gian hóa đến mức câu “đưa nàng về dinh” trở thành câu cửa miệng của người Nam bộ khi nói về cưới hỏi, hôn nhân…

Ngựa ô anh khớp…! -0
Một chú ngựa ô.

Lấy cảm hứng từ dân gian mà nhạc sĩ Trần Tiến có “Ngẫu hứng Lý ngựa ô” đầy đam mê, rạo rực: “Nhớ tiếng vó khớp con ngựa ô/ Ngựa ô, ngựa ô ngàn năm vang mãi/ Tiếng vó có bao chàng trai về nơi đồng xanh/ Ngựa anh đón nàng (ư ư ư ư ư ư ư)/ Cho ai yêu thương nhau bên nhau suốt đời”. Chất liệu Rock tươi trẻ càng tăng cường cho bài hát thêm mạnh mẽ, mê say.

Cũng tựa vào dân ca, nhưng lại có cảm hứng ngược lại, “Bài hát ngựa ô lang thang” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch khai thác chất bi kịch của cuộc đời với chàng trai lỡ tình: “Lóc ca lóc cóc/ con ngựa ô/ ô ngựa ô/ khớp bạc bông vàng/ ai đem câu hát/ mơ màng vu quy/ ngựa ô/ chưa thắng yên vàng/ chưa tra khớp bạc/ cho nàng về dinh/ ngựa anh/ mắt lệ hai hàng/ ai đem con sáo/ bên đàng sang sông/ ngựa anh/ rơi mất kiệu vàng/ xe hoa ai đã/ rộn ràng nhà em/ ô ngựa ô/ hỡi người/ em gái quê tôi/ sao chê bờ đất/ gập ghềnh khó đi…”. Cũng đi theo nhịp ngựa chạy nhưng nhịp điệu lời hát trúc trắc trục trặc, “lóc ca lóc cóc”, thật đúng với thất tình!

Ngựa ô hay là ngựa đen, tên Hán Việt là hắc mã chỉ những con ngựa có sắc màu đen chủ đạo, đặc trưng của nó là thân màu đen và đuôi đen, phần dưới tứ chi cũng đều là màu đen, ngọn lông có màu rỉ sét, dưới ánh mặt trời giống màu đỏ pha ánh đen. Miêu tả loại ngựa này đúng, cụ thể, sinh động nhất là nhà văn Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn có tên “Con ngựa già” viết năm 1938, in Báo Phổ thông bán nguyệt san, số 61 ngày 16/6/1940.

Người kể chuyện xưng “tôi”, tận mắt chứng kiến, quan sát “bao giờ tôi cũng phải nhìn nó bằng đôi mắt kính phục”. Về ngoại hình, tính cách: “Nó cao lớn, trông bề ngoài cũng biết là bất kham”; “Nó dữ, khỏe mạnh và hung hăng lắm”. Về sức chạy, thì “khi con ngựa ô chạy đã xâm xấp mồ hôi, thì nó càng hăng. Nó tế nhanh và dai sức lắm. Có lần nó đã phi ngang xe lửa từ ga Đình Dù đến Phú Thuỵ. Rồi vì tàu phải đỗ ở Phú Thuỵ, nên nó chạy vượt lên. Người bồi nói rằng hôm ấy, hành khách xe lửa, ai cũng phải thò đầu ra cửa để xem cuộc chạy thi của sức máy móc và sức giống vật”.

Bằng phong cách trào phúng đẩy đối tượng tăng cấp về hình ảnh, tính chất, con ngựa ô được nhà văn miêu tả thật quý giá: “Không những con ngựa ấy khỏe mà thôi, nó lại khôn nữa. Ai lại gần nó thì nó hục hặc, cắn đá, nhưng đến ông huyện đứng cạnh, thì nó hiền lành như con bò. Tha hồ ông vuốt ve, thò tay vành răng nó ra, hai tai nó vẫn cứ cúp ra đằng trước một cách ngoan ngoãn. Lính huyện còn ca tụng mãi cái việc nó cứu chủ.

Một đêm, ông huyện cưỡi nó đi tuần. Xảy gặp một toán đông người, có khí giới. Không biết chúng là bọn cướp, hay chúng thù ông huyện, biết ông đến chỗ ấy, nên đón đường định hại. Chúng ồ ra, chặn lối đi. Bị tai nạn bất thần, ông huyện cuống quít. Nhưng con ngựa ô đá vung vít, giải vây được, và cắm đầu tế một mạch về nhà”. Con ngựa ô rất có công với “quan lớn” trong “việc công”: “Lại một lần nữa, trong mùa nước to, lý trưởng làng Lực Điền phi báo ông huyện khúc đê sạt bốn mươi trượng, ông huyện cưỡi con ngựa ô đến chỗ xung yếu thì được độ năm phút, ôtô ông sứ đến. Ông sứ cho là ông huyện chăm chỉ, lấy làm bằng lòng lắm. Giá dùng con ngựa hồng hay bạch, tất ông đến sau ông sứ, và sẽ bị quở trách là lười biếng việc quan”…

Theo truyền thuyết, ngựa vốn “biến hình” từ loài rồng nên loài ngựa ô nào cao to, khỏe mạnh sẽ được gọi là “Ô Long” hoặc “Hắc Long”. Có hai loại, loại ngựa ô quạ sắc lông đen mun ngời ánh xanh như lông chim quạ; loại ngựa thông có sắc lông xanh lục đen ánh xám bạc rất hiếm quý, thời xưa rất được các vị vua cả Việt Nam, Trung Hoa ưa chuộng.

Trong “Liêu trai chí dị”, Bồ Tùng Linh tả con ngựa Nhàn Lương Thông (trong truyện “Ngũ Thông Thần”) được cả vua trên dương gian lẫn dưới âm phủ quý hơn vàng ngọc vì nó rất khôn và tình nghĩa với chủ. Ở nước ta, Hoàng đế Duệ Tông (1337- 1377) có con tuấn mã Nê Thông được nhà vua sử dụng khi thân chinh đi đánh phạt quân Chiêm Thành. “Nê” dùng để chỉ ngựa có hai màu lông trắng đen, còn “thông” là ngựa có sắc lông ánh xanh. Đây là hai sắc lông hiếm gặp. Nê thông là sự kết hợp những nét ưu trội ở cả hai dạng ngựa kể trên.

Loại Ô Truy còn đặc biệt hơn vì là loại ngựa chiến lông đen tuyền, to lớn, rất khỏe mạnh, dũng mãnh. Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên kể về Ô Truy của Tây Sở Bá vương Hạng Vũ: “Hạng Vũ còn có một con ngựa quý tên là Ô Truy (một loại ngựa lông có hai màu xanh trắng) và người thiếp yêu tên Ngu Cơ được Hạng Vũ vô cùng yêu quý. Đây là hai vật quý, hai thứ được Hạng Vũ xem trọng nhất đời”. Vẫn theo “Sử ký”, khi bị đối phương vây, Ô Truy xông vào trận địa cùng 28 kỵ binh khác phá vòng vây. Bại trận, Hạng Vũ đã dùng kiếm tự sát bên bờ Ô Giang. Ngựa Ô Truy cũng liền chết theo chủ. Trước khi chết nó hí lên mấy tiếng ai oán đau đớn rồi nhảy xuống sông mất dạng.

Truyền thuyết khác lại kể sau khi thua trận, Hạng Vũ đâm cổ tự sát, con ngựa quanh quẩn bên ông chảy máu mắt, bỏ ăn mà chết. Chính vì vậy, Ô Truy được đánh giá là loại ngựa trung nghĩa sắt son, hết lòng vì chủ. Người đời sau vẫn nhắc về ngựa Ô Truy như một biểu tượng đẹp của lòng trung thành. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” Trương Phi cũng cưỡi loại ngựa này có tên là Vương Truy Mã, có nghĩa là con ngựa đi theo hầu Đại Vương.

Quốc gia Macedonia (nay là Cộng hòa Bắc Macedonia) có một thành phố tên Buchephalus là tên một con ngựa ô do chính nhà vua Alexandre đặt để tưởng nhớ con vật có công với đất nước. Theo truyền thuyết, Buchephalus thuộc giống nhân mã không phục tùng bất cứ một ai trừ vua Alexandre. Khi còn là hoàng tử Alexandre thuần hóa con ngựa bằng tình yêu vô bờ. Chàng đưa tay vỗ nhẹ vào cổ và khẽ lái con thần mã hướng về phía mặt trời để nó không còn sợ bóng của chính nó. Cuối cùng chàng chinh phục được con vật dữ tợn và lên ngôi vua để thôn tính khắp cả vùng Trung Đông.

Ngựa ô anh khớp…! -0
Tranh vẽ Hoàng tử Alexandre thuần hóa thần mã.

Trong một trận chiến ác liệt, Buchephalus bị thương rất nặng, Alexandre định thay ngựa khác nhưng Buchephalus không chịu, đến trước mặt chủ tướng, nó quỳ xuống cho Alexandre lên yên. Với sức tàn còn lại Buchephalus vùng lên hoàn thành sứ mạng đưa Alexandre chiến thắng trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nhà vua an táng Buchephalus với tất cả lễ nghi trọng thể cấp quốc gia!

Trong “Tây Sơn ngũ thần mã” (5 con ngựa thần của nhà Tây Sơn) thì một trong số đó là Ô Du của danh tướng Đặng Xuân Phong. Truyền thuyết kể Ô Du có lông đen như gỗ mun, bốn chân thon nhỏ như chân nai, có hình dạng và dáng đi giống như cọp. Ô Du leo núi và vượt qua những ghềnh núi đá nhấp nhô nhưng người cưỡi có cảm giác như đi trên đất phẳng. Trong lần đầu xuất trận, nhờ Ô Du mà Đặng Xuân Phong chiếm được thành Thăng Bình và Điện Bàn, sau đó đuổi giết được hai tướng chúa Nguyễn là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân. Sau khi vua Quang Trung băng hà, Đặng Xuân Phong liền cáo quan về quê rồi bỏ đi nơi khác. Ô Du cũng biệt tích theo…

Theo huyền thoại thì ngựa sắt của Thánh Gióng cũng là ngựa ô vì được đúc bằng chất liệu sắt. Ngựa sắt phun ra lửa mới hợp lý và thật đích đáng cho kẻ xâm lược khi chúng chết như ngả rạ trước hành động phi thường của người anh hùng. Giặc tan Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời. Phải là ngựa đen thì mới in rõ hình trên nền mây trắng trời xanh…!

Trở lại vấn đề, tại sao hình tượng ngựa ô với âm thanh lục lạc, tiếng vó cùng đoàn rước dâu… lại gần gũi với văn hóa vùng Nam bộ hơn là ở Bắc bộ? Xin mời bạn cùng tìm hiểu!

Rate this post