“Mù tạt” là gì hả mẹ?

mù tạt là gì
mù tạt là gì

Ngày nghỉ, Thơ nằm mơ màng trên ghế mây, thả hồn vào khoảnh vườn nhỏ nhưng rực rỡ sắc hoa. Trời Thu một màu xanh trong, không gợn mây. Trên cây sấu già, mấy chú chim sâu chuyền cành kêu ríu rít. Bỗng tiếng chuông điện thoại đổ dồn, “hồn” Thơ như rớt xuống. Nhìn thấy tên người bạn thân, Thơ dịu giọng: – Đang thả hồn, ngắm hoa, nghe chim hót, có rảnh thì qua thưởng trà!

Chè cháo gì! Mình đang bức xúc đây! Con Thảo đang học bài, kêu toáng lên “Mẹ ơi mù tạt là gì vậy?”. Mình tưởng nó trêu ai ngờ là thật. Trời ơi là trời! Sao lại có bài thơ vô tri thế, mà lại đưa vào sách cho bọn trẻ con học chứ!

Bạn nói từ từ thôi, tôi không hiểu bạn đang nói cái gì nữa. Thôi qua đây trình bày lại từ đầu xem thế nào.

Chưa đến 10 phút sau, Loan đã xuất hiện trước mặt Thơ, trên tay cầm quyển sách của con gái, dí gần sát mặt Thơ, giọng bức xúc: – Đây bà nghe nhé! – cô đọc diễn tả – Bài thơ Bắt nạt: “Bắt nạt là xấu lắm/ Đừng bắt nạt bạn ơi/ Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt…”

Dừng! Hay như thế mà kêu cái nỗi gì! Chắc đầu óc bạn có vấn đề rồi! – Thơ trách Loan.

Bạn đã nghe hết đâu mà vội vàng kết luận thế! Vậy tôi đọc luôn đến đoạn này trong bài thơ cho bạn nghe nhé: “Sao không ăn mù tạt/ Đối diện thử thách đi/ Thử kẻ yếu làm gì/ Sao không trêu mù tạt?”

Hả! Bạn đọc lại đi, gì thế! – Thơ ngồi nhổm dậy như không tin ở tai mình – Sao tự dưng lại “mù tạt” gì ở đây?

Thế tôi mới bức xúc chứ. Bọn trẻ con lớp 6 làm sao biết mù tạt là cái gì? Nhất là trẻ em ở vùng nông thôn, miềm núi, vùng cao… thì càng không biết mù tạt là gì. Còn chưa hết đâu nhé. Đây bạn nghe thêm bài “Giã gạo thổi cơm”: “Giã gạo thổi cơm trưa/ Còn thừa để đến tối/ Ai vay thì nói dối/ Chống cối lên!”

Gì thế hả? – Thơ thảng thốt – Thế dạy trẻ con nói dối à!

Đấy bạn xem, như vậy tôi mới bức xúc chứ! Những nhà thơ này chắc không bình thường rồi, họ sẽ làm hỏng cả một thế hệ bởi sự “không bình thường” ấy.

Thật sự mình cũng không cảm nổi những bài thơ này nữa là bọn trẻ, không hiểu sao nó lại được đưa vào sách giáo khoa. Còn tác giả bài thơ mình nghĩ không có lỗi, bởi bất kỳ ai cũng có quyền sáng tác thơ văn, cho dù là thơ con cóc, có thể ngô nghê và buồn cười, nhưng cũng không có gì sai, chẳng luật nào bắt chỉ được sáng tác thơ hay cả. Vấn đề ở đây là việc biên soạn sách, khâu biên tập, kiểm duyệt và phát hành…

Rộng lớn thế thì “con kiến kiện củ khoai” à!? Buồn! Buồn quá mất thôi!

Câu chuyện về sách, về đời, nhân tình thế thái… giữa Thơ và Loan kéo dài đến quá trưa, tưởng không có hồi kết.

Rate this post