Ghép tế bào gốc đồng loài là gì? Vai trò và phương pháp thực hiện

loài là gì
loài là gì

Ghép tế bào gốc đồng loài có thể được ứng dụng để chữa trị các bệnh ung thư, rối loạn máu… Kỹ thuật này vẫn chưa được ứng dụng phổ biến ở nhiều cơ sở y tế. Vậy ghép tế bào gốc đồng loài là gì, phương pháp thực hiện ra sao?

ghép tế bào gốc đồng loại

Các bác sĩ có thể đề nghị cho người bệnh ghép tế bào gốc nếu những phương pháp chữa trị ban đầu không còn hiệu quả hoặc bệnh tái phát trở lại. Khoảng 50% người bệnh ghép tế bào gốc dùng tế bào gốc từ người thân trong gia đình.

Ghép tế bào gốc đồng loài là gì?

Ghép tế bào gốc đồng loài là phương pháp truyền tế bào gốc từ người thân có cùng huyết thống hoặc người không cùng huyết thống (đáp ứng các yêu cầu nhất định) cho người bệnh. Ghép tế bào gốc đồng loài được thực hiện sau khi đã điều kiện hóa người bệnh bằng phác đồ không diệt tủy hoặc diệt tủy. Trong phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài, những tế bào gốc khỏe mạnh của người hiến tặng được dùng để thay thế cho các tế bào khiếm khuyết của người bệnh (đã bị bệnh tật làm tổn thương) do hóa/xạ trị liều cao để chữa bệnh tiềm ẩn. (1)

Nguồn tế bào gốc đồng loài đến từ đâu?

Dưới đây là 3 nguồn tế bào gốc có thể được dùng trong phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài: (2)

  • Tế bào gốc máu ngoại vi: Tế bào gốc máu ngoại vi được thu thập từ máu của người hiến tặng thông qua quá trình phân tách máu bằng kỹ thuật apheresis. Người hiến tặng được tiêm một loại thuốc kích thích tế bào gốc di chuyển từ tủy xương ra máu ngoại vi nhiều hơn bình thường nhằm mục đích làm gia tăng số lượng tế bào gốc trong máu. Các tế bào gốc thoát ra khỏi tủy xương vào máu (nơi chúng có thể được thu thập thuận lợi, dễ dàng) trong khi người hiến tặng vẫn đang trong trạng thái tỉnh táo.
  • Tế bào gốc tủy xương: Loại tế bào gốc này được thu thập từ tủy xương của người hiến tặng thông qua cách thu hoạch tủy xương (được tiến hành ở phòng phẫu thuật). Người hiến tặng có thể trở về nhà ngay trong ngày thực hiện thu hoạch tủy xương.
  • Tế bào gốc máu cuống rốn: Tế bào gốc máu cuống rốn được thu thập từ máu của dây rốn và nhau thai khi em bé ra đời. Loại tế bào gốc này được đông lạnh, lưu trữ tại ngân hàng máu cuống rốn cho đến khi cần tiến hành cấy ghép.
thu thập ghép tế bào gốc đồng loại
Tế bào gốc có thể được thu thập từ máu cuống rốn

Ghép tế bào gốc đồng loài chữa những bệnh gì ?

Thông tin từ trang điện tử Cleveland Clinic cho thấy, có thể áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài để thay thế cho những tế bào không khỏe mạnh trong điều trị các bệnh như: bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính, thiếu máu bất sản, hội chứng suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng, bệnh thalassemia, thiếu kết dính bạch cầu… (3)

phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại
Phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài có thể được ứng dụng để chữa trị một số bệnh lý về máu

Các phương pháp cấy ghép tế bào gốc đồng loài

Những phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài có thể được áp dụng gồm có:

1. Ghép tế bào gốc cùng huyết thống (anh/chị/em ruột) phù hợp HLA hoàn toàn

Phương pháp ghép tế bào gốc cùng huyết thống (anh/chị/em ruột) phù hợp HLA hoàn toàn là sự lựa chọn đầu tiên nhằm mục đích làm giảm nguy cơ gặp tình trạng ghép chống chủ (tế bào của người cho phản ứng với người bệnh). Bên cạnh đó, ở phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài này, người hiến tặng luôn sẵn sàng tự nguyện cho thêm tế bào gốc trong trường hợp cần thiết.

Nhược điểm của phương pháp này là cơ hội tìm được người cho tế bào gốc phù hợp là khá hiếm, lý do là vì: quy mô gia đình ngày nay (thường có hai con) thì xác suất có anh chị em ruột phù hợp hoàn toàn HLA với người bệnh là khá thấp. Chỉ định ghép tế bào gốc hiện đã được mở rộng cho đối tượng người bệnh lớn tuổi. Do đó, nếu người hiến là anh/chị/em ruột cũng lớn tuổi thì vấn đề sức khỏe của người hiến trở thành một trở ngại cho việc ghép tế bào gốc.

2. Ghép tế bào gốc không cùng huyết thống (người ngoài gia đình) phù hợp HLA

Phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài này đang ngày càng phát triển do nhu cầu người bệnh cần ghép cao nhưng lại không có người cho cùng huyết thống hoặc có nhưng không phù hợp HLA hay người hiến tặng lớn tuổi, không đáp ứng điều kiện sức khỏe để lấy tế bào gốc. Ngày nay, kỹ thuật định type HLA trở nên hiện đại hơn nên không có nhiều điểm khác biệt về hiệu quả lâm sàng giữa phương pháp ghép tế bào gốc cùng huyết thống và không cùng huyết thống phù hợp HLA ở người bệnh lớn tuổi, bệnh nhi.

3. Ghép tế bào gốc nửa hoà hợp (Haplotype)

Phần lớn người bệnh có người thân hợp một nửa HLA là nguồn tế bào gốc tiềm năng, được dùng trong các tình huống không tìm được nguồn hiến tặng cùng hoặc không cùng huyết thống phù hợp HLA hoặc không có sẵn máu dây rốn phù hợp. Phương pháp ghép tế bào gốc nửa hòa hợp ngày càng phát triển, trở thành hướng tiềm năng cho người bệnh cần ghép tế bào gốc đồng loài không có người hiến tặng là anh/chị/em ruột phù hợp HLA hoặc người bệnh cần được cân nhắc thêm về yếu tố miễn dịch…

Ghép tế bào gốc nửa hòa hợp ưu điểm là xác suất tìm được người hiến cao hơn. Vì thế, phương pháp ghép tế bào gốc nửa hòa hợp đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi hơn. Với việc mở rộng các nguồn tế bào, những tiến bộ trong kỹ thuật xử lý mảnh ghép và điều trị các biến chứng sau ghép, số lượng các ca ghép đồng loài không ngừng tăng lên, mang lại hy vọng cho nhiều người bệnh và gia đình của họ.

thu thập cấy ghép tế bào gốc đồng loại
Hiện có ba phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài đang được áp dụng phổ biến

Quy trình cấy ghép tế bào gốc đồng loài

Quy trình ghép tế bào gốc đồng loài cơ bản được thực hiện như sau:

1. Trước khi ghép tế bào gốc đồng loài

Thông tin từ trang điện tử Cleveland Clinic cho thấy, nếu được ghép tế bào gốc đồng loài, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm để đánh giá khả năng kiểm soát các tác dụng phụ của quy trình thực hiện như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm công thức máu, sinh thiết… Người bệnh cũng có thể cần thực hiện các bước điều trị trước có liên quan.

chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại
Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh đo điện tim trước khi cấy ghép tế bào gốc đồng loài

2. Thực hiện cấy ghép

Tế bào gốc được truyền qua tĩnh mạch vào dòng máu của người bệnh. Các tế bào gốc sẽ đi đến tủy xương của người bệnh – nơi chúng “định cư”, bắt đầu tái tạo tủy xương với những dòng tế bào tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu chưa trưởng thành. Quá trình này được gọi là cấy ghép, diễn ra trong khoảng 10 – 28 ngày.

Phục hồi sau cấy tế bào gốc đồng loài

Sau khi ghép tế bào gốc đồng loài, số lượng máu của người bệnh bắt đầu tăng lên. Lúc này, người bệnh có thể đã đủ khỏe để xuất viện. Nhìn chung, người bệnh có thể được yêu cầu ở lại gần bệnh viện để có thể theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe trong những tuần đầu hồi phục. Trong những tuần, tháng đầu tiên sau khi ghép tế bào gốc đồng loài, người bệnh cần đến cơ sở y tế thường xuyên để bác sĩ kiểm tra lượng máu, đánh giá tốc độ tiến triển và giải quyết mọi vấn đề phát sinh nếu có. Sau khi ghép tế bào gốc đồng loài, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện:

  • Hóa trị trước điều trị ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch. Để giảm thiểu rủi ro, người bệnh có thể cần ở một mình trong phòng được dọn dẹp cẩn thận và phải hạn chế tiếp xúc cơ thể với người khác.
  • Người bệnh được cho sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm nguy cơ cơ thể đào thải những tế bào gốc được hiến tặng.
  • Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc để làm giảm bớt triệu chứng nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy sau cấy ghép. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được cung cấp thêm chất lỏng.
  • Người bệnh có thể cần truyền máu để thay thế tiểu cầu và hồng cầu.

Cơ thể người bệnh cần một khoảng thời gian (có thể lên đến 6 tháng) để hồi phục trở về mức hoạt động bình thường. Các tác dụng phụ của việc cấy ghép có thể tồn tại trong thời gian ngắn hoặc kéo dài lâu hơn. Một số tác dụng phụ ví dụ như bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ có thể tồn tại trong nhiều tháng, nhiều năm.

Biến chứng của cấy ghép tế bào gốc đồng loài

Người bệnh ghép tế bào gốc đồng loài có thể đối mặt với một số biến chứng dưới đây: (4)

1. Biến chứng sớm

  • Nhiễm trùng: nhiễm nấm, vi khuẩn, virus (BK, CMV, EBV tái hoạt động).
  • Viêm bàng quang chảy máu.
  • Ghép chống chủ cấp tính.
  • Hội chứng mọc mảnh ghép.
  • Thải ghép…

2. Biến chứng muộn

  • Ghép chống chủ mạn tính.
  • Giảm tiểu cầu do phá hủy ở ngoại vi hay tủy bị ức chế.
  • HUS hay TTP: hay liên quan thuốc ức chế MD như CSA.
  • Suy thận: lưu ý do thuốc, TTP.
  • Biến chứng về thần kinh: hội chứng PRES (do CSA).
  • Tăng sinh lympho do EBV tái hoạt động…
biến chứng ghép tế bào gốc đồng loại
Nhiễm trùng có thể là biến chứng sớm sau khi ghép tế bào gốc đồng loài

Tiên lượng về cấy ghép tế bào gốc đồng loài

Rất khó để đưa ra tiên lượng về tỷ lệ thành công chung cho phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài. Lý do là vì kỹ thuật này có thể được dùng để chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau. Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy:

  • Hơn 80% người bệnh bị thiếu máu bất sản được điều trị khỏi sau khi ghép tế bào gốc đồng loài.
  • Hơn 50% người được ghép tế bào gốc đồng loài chữa bệnh bạch cầu cấp tính đang thuyên giảm đã được điều trị khỏi.
  • Khoảng 40% người bị hội chứng rối loạn sinh tủy được điều trị khỏi sau khi ghép tế bào gốc đồng loài.

Chi phí ghép tế bào gốc đồng loài

Chi phí ghép tế bào gốc đồng loài ở các cơ sở y tế (được cấp phép triển khai kỹ thuật này) thường không giống nhau. Sự chênh lệch về giá phụ thuộc vào các yếu tố như phương pháp được áp dụng, trình độ của bác sĩ, chất lượng dịch vụ… Người bệnh khi có nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loài cần liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế được cấp phép triển khai kỹ thuật này để được báo giá chính xác.

tư vấn ghép tế bào gốc đồng loại
Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được tư vấn ghép tế bào gốc đồng loài chi tiết

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp có liên quan đến phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài:

1. Ai có thể ghép tế bào gốc đồng loài?

Bác sĩ có thể xem xét một vài yếu tố trước khi đề xuất cho người bệnh thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài để chữa trị ung thư hoặc rối loạn máu. Các yếu tố đó gồm có:

  • Có người hiến phù hợp: Có một người hiến sở hữu kháng nguyên bạch cầu người (HLA) gần giống với kháng nguyên của người bệnh.
  • Tình trạng sức khỏe chung của người bệnh: Ví dụ như người được ghép tế bào gốc đồng loài phải trải qua quá trình hóa trị liệu chuyên sâu (điều hòa). Bác sĩ sẽ đánh giá xem người bệnh có thể kiểm soát những tác dụng phụ của thuốc điều hòa hay không.
  • Tình trạng bệnh lý của người bệnh: Không phải tất cả các bệnh lý ung thư hoặc bệnh về máu đều có thể đáp ứng với phương pháp ghép tế bào gốc, bao gồm cả hình thức ghép tế bào gốc đồng loài.
  • Phương pháp chữa trị trước đây: Một vài phương pháp chữa trị y tế có thể tác động đến việc cấy ghép.

2. Ai có thể cho tế bào gốc đồng loài?

Người thân cùng huyết thống hoặc người không cùng huyết thống với người bệnh đáp ứng các điều kiện về kháng nguyên bạch cầu người (HLA) cũng như những điều kiện sức khỏe khác… có thể được chấp nhận cho tế bào gốc đồng loài.

3. Ghép tế bào gốc đồng loài ở đâu?

Để phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài mang đến hiệu quả tối đa, đảm bảo an toàn, người bệnh cần thực hiện ở cơ sở y tế uy tín. Cơ sở y tế này phải được cấp phép triển khai phác đồ điều trị bệnh bằng cách ghép tế bào gốc đồng loài, quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc chuyên dụng.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Ghép tế bào gốc đồng loài là phương pháp triển vọng trong việc chữa trị các bệnh ung thư, rối loạn máu. Người bệnh nên thực hiện ghép tế bào gốc đồng loài ở bệnh viện uy tín.

Rate this post