Bảo tồn di sản khu chung cư Quang Trung, TP Vinh – Tại sao không?

khu tập thể tiếng anh là gì
khu tập thể tiếng anh là gì

Theo dõi cuộc thảo luận gần đây trên báo Nghệ An về “Bảo tồn di sản Khu chung cư Quang Trung (KCC QT), thành phố (TP) Vinh”, tôi chợt liên hệ với TP Hà Nội, nơi hiện có hàng trăm Khu chung cư, Khu tập thể (KTT) cao từ 2-5 tầng, được xây dựng từ những năm 1960 – 1980 trong các khu phố nội đô. Hầu hết các khu nhà này này đã “hết đát”, vì vậy từ 10 năm trước, TP đã có Chương trình cải tạo, xây dựng lại các KTT này. Trong quá trình thực hiện, giới chuyên môn và quản lý đã gặp phải hàng loạt các vấn đề/ thách thức về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư, xây dựng, quản lý cùng những vấn đề xã hội nan giải như thoả thuận đền bù, tái định cư cho hàng vạn cư dân đang sinh sống tại đây. Cũng từ hơn 10 năm nước, một số nhà quy hoạch đô thị phương Tây (Canada, Hà Lan) mà tôi có dịp tiếp xúc đã đặt câu hỏi: TP Hà Nội đã có quy hoạch bảo tồn các KTT này chưa? – họ dùng nguyên chữ viết tắt tiếng Việt KTT (khu tập thể) và đọc theo vần chữ cái tiếng Anh là “kei – ti – ti”).

Vào thời điểm đó, câu hỏi này cũng khiến tôi, một người nghiên cứu xã hội học bị bất ngờ, vì quả thực, nó chưa bao giờ xuất hiện trong đầu, và tôi phải tìm đọc ngay một số tài liệu về bảo tồn đô thị. Còn câu trả lời của Hà Nội, thì trên thực tế, dường như vẫn còn bỏ ngỏ…

Trở lại với vấn đề vừa nêu trên báo Nghệ An, hóa ra TP Vinh còn “nhìn ra” vấn đề này sớm hơn cả các TP khác, khi có những tranh luận về vấn đề này trên mặt báo của Tỉnh.

Không ai phủ nhận vai trò lịch sử của các KTT cũ ở các đô thị lớn ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, hay KCC Quang Trung ở TP Vinh trong hơn nửa thế kỷ qua, cho dù sứ mệnh của nó đang từng ngày bị suy giảm. Với KCC Quang Trung của TP Vinh, qua tìm hiểu, tôi muốn chỉ ra ít nhất 3 chiều cạnh / góc nhìn đáng chú ý.

  1. Lịch sử một TP, cả về môi trường xây dựng và đời sống tinh thần của nó đều mang tính liên tục và giàu bản sắc. Các KTT như một mô hình cư trú, mô hình nhà ở ngự trị suốt nửa thế kỷ phát triển đô thị Việt Nam, nếu bị lãng quên sẽ là một khoảng trống, một sự đứt đoạn trong dòng chảy lịch sử ấy. Và một khi cần chuyển sang một mô hình cư trú mới, phù hợp với điều kiện sống mới, cần phải có những “vật chứng” làm điểm nối tiếp cho sự chuyển đổi này;
  2. Đối với cộng đồng dân cư với hàng vạn gia đình cán bộ, công nhân viên TP, KCC QT đã là tổ ấm, tràn ngập những ký ức tốt đẹp của nhiều thế hệ từng sinh sống. Đây chính là “ký ức văn hóa, lối sống” của một mô hình cư trú đặc thù, với các giá trị tinh thần gắn với khái niệm về “nơi chốn”, như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Thơ: Tiếng hát con tàu). Vậy sao nỡ để nó bị thời gian và con người lãng quên? Đúng như một KTS nước ngoài đã ví: “Một TP không có các di sản, không khác gì một con người không có ký ức”;
  3. Với TP Vinh, KCC QT còn là minh chứng của sự giúp đỡ đầy ân tình của bạn bè quốc tế, nước CHDC Đức và nhân dân Đức một thời. Một công trình nguy nga vào thời kỳ ấy, với bao tâm huyết và nguồn lực mà bạn đã tặng cho TP trong những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ sau chiến tranh, mở đường xây dựng Vinh thành một đô thị văn minh, hiện đại. Còn chúng ta thì luôn nhớ câu “uống nước nhớ nguồn”, để “không ai, không cái gì bị lãng quên”.

Vậy tại sao lại không lưu giữ và bảo tồn một phần hay chỉ là một biểu tượng của KCC QT, khi định chuyển nó thành những Khu ĐTM, hiện đại hơn?

Tất nhiên nói thì dễ, làm mới khó. Ai đó có thể phản biện: Nó có đáng là “di sản” để bảo tồn không? (Cũ nát quá rồi, bảo tồn cái gì? như thế nào?, có khả thi, có “sống” được không?…). Mạnh nhất, từ góc nhìn của kinh tế thị trường, “tấc đất tấc vàng”, các chuyên gia bất động sản ngay lập tức sẽ đưa ra những con số rất hấp dẫn: Một lô đất từ một tòa nhà chung cư cũ đập đi, xây lại thành chung cư cao tầng hiện đại, TP sẽ có thêm bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu m2 sàn văn phòng, trị giá bao nhiêu tiền, trong đó bao nhiêu tiền nộp cho ngân sách địa phương. Trong khi đó, có ai tính được giá trị của công trình bảo tồn, rằng liệu di sản “có mài ra mà ăn được không?”.

Đúng là khó. Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta không cần và không thể làm. Một khi nhận thức được ý nghĩa lịch sử, văn hóa, đối ngoại và cả kinh tế nữa của câu chuyện bảo tồn KCC QT, chắc chắc sẽ có nhiều cách để bảo tồn cấu trúc không gian lịch sử đó một cách thành công. Một TP giàu truyền thống như TP Vinh càng không thể bỏ qua câu chuyện này…

Điều quan trọng là ý tưởng này cần được các cơ quan chức năng, các chuyên gia thuộc các ngành văn hóa, quy hoạch, kiến trúc, … ghi nhận. Đặc biệt, khi các nhà lãnh đạo tỉnh, TP lắng nghe và có ý kiến chỉ đạo. Sau đó, nó phải được đưa vào trong Quy hoạch / Chương trình cải tạo, xây dựng lại KCC QT như một yêu cầu bắt buộc. Và từ đó, trong tương lai gần, một công trình biểu tượng (theo cách nào đó) của KCC QT sẽ có một chỗ đứng trong không gian quy hoạch, kiến trúc của KĐT mới, trên nền đất cũ. Kết nối bảo tồn với quy hoạch là một phần của phát triển đô thị bền vững (ít nhất về mặt xã hội). Và khi đó, TP sẽ luôn có ký ức lịch sử về cư trú và nhà ở, về lối sống một thời của nó một cách liên tục, bằng những biểu trưng mang nhiều cảm xúc hiện thực và nghệ thuật. Còn làm như thế nào, hình thức và quy mô ra sao cho hợp lý thì chúng ta có vô số phương án và lựa chọn. Về lý thuyết, có khá nhiều quan điểm về bảo tồn như Không đụng chạm gì cả; lưu giữ các khu phố cổ như là bảo tàng sống, gìn giữ và bảo tồn các công trình kiến trúc và hạ tầng kinh tế xã hội; áp dụng các giải pháp qui hoạch truyền thống vào các điều kiện hiện đại,…

Trên thực tế, sự sáng tạo cho hoạt động bảo tồn là vô tận dưới con mắt của khoa học, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc – quy hoạch. Không nhất thiết và ắt là không nên giữ lại một tòa nhà nguyên trạng, không an toàn và hoang phế, mà nhiều người gọi đó là những di sản “chết”. Cần rất linh hoạt trong quan niệm về “di sản” và “bảo tồn”. Đó có thể là việc lưu giữ một tòa nhà hay một đơn nguyên cũ được gia cố để dùng cho các sinh hoạt văn hóa – dịch vụ. Có thể cũng chỉ là một bức tường của một tòa nhà mới, với một bức phù điêu, những bức bích họa, nghệ thuật sắp đặt giúp tái hiện cuộc sống thường ngày của KCC QT một thời,… Có thể có một địa danh, hay một ngày kỷ niệm trong năm dành cho nơi này với các hoạt động tái hiện văn hóa – lịch sử… Tinh tế hơn, làm sao đưa được một vài yếu tố, những motip đặc trưng của kiến trúc KCC cũ vào kiến trúc của các tòa nhà mới, hiện đại…

Ý tưởng này hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu của một cuộc thi thiết kế cho không gian/ biểu tượng này trong giới KTS, nghệ sỹ, người dân của TP.

Nếu được kêu gọi và khuyến khích, trí sáng tạo của giới chuyên môn (KTS, quy hoạch, nghệ thuật tạo hình,…) hay của những công dân trẻ nhiệt huyết của TP chăc chắn sẽ có thể mở đường cho những hoạt động văn hóa gắn với ý tưởng bảo tồn này. Nhiều khi đó không hẳn là một công trình tốn kém mà vẫn đạt hiệu quả xã hội khá cao.

Cần thu hút sự tham gia của công chúng, thông qua các hiệp hội như: Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, Hội Sử học, Hội Bảo tàng bảo tồn,… Cũng nên kết nối và bày tỏ ý tưởng này với Hội Hữu nghị Việt Đức hay Đức – Việt, qua đó với các chuyên gia của CHLB Đức. Tôi tin rằng ý tưởng này sẽ được nhiều sự ủng hộ và tư vấn về kỹ thuật, thiết kế thậm chí có các dự án bảo tồn phục vụ cho ý tưởng này.

Thêm nữa, đừng quên rằng, nếu được tạo điều kiện, khu vực tư nhân cũng sẽ đầy sức sáng tạo để tham gia vào hoạt động bảo tồn đô thị theo cách riêng của họ. Những ví dụ thành công như vậy có thể thấy ở Hà Nội*) như “Cửa hàng ăn uống Mậu dịch” ở 37 phố NamTràng (phục vụ bữa ăn thời bao cấp), “Hợp tác xã Zone 9” ở phố Trần Thánh Tông (khai thác không gian xưa cũ cho các hoạt động dịch vụ đa dạng của giới trẻ), hay chuỗi nhà hàng CỘNG Cafe mà bí quyết thành công là “đồ vật cũ + ý tưởng mới”…

Việc đi theo các quan điểm thị trường thuần túy, và không chú ý tới chiều kích văn hóa – lịch sử, tính nhân văn, không khuyến khích sự sáng tạo nhiều khi sẽ khiến chúng ta ngần ngại, thậm chí phủ nhận hoạt động bảo tồn đô thị như trường hợp của KCC Quang Trung. Văn hóa phải hiện diện ngay cả trong điều kiện kinh tế chưa thật dư giả, để khẳng định bản sắc một đô thị. Và bởi cuộc sống “đâu chỉ có bánh mỳ, mà còn cần có cả hoa hồng”.

Với câu hỏi có nên bảo tồn hình ảnh/ biểu tượng của một mô hình cư trú tiêu biểu trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, như KCC QT TP Vinh, câu trả lời của tôi, người nghiên cứu xã hội học đô thị, đơn giản sẽ là: TẠI SAO KHÔNG?

Trịnh Duy Luân Nhà Xã hội học Đô thị (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2021)

Tài liệu tham khảo: Bạn đọc có thể tham khảo về các ví dụ ở Hà Nội trên các bài viết online sau.

  • https://kenh14.vn/doi-song/hop-tac-xa-zone-9-khu-an-choi-moi-va-la-cua-gioi-tre-ha-thanh-20130726041641552.chn
  • https://ashui.com/mag/tuongtac/diem-den/9230-hop-tac-xa-zone-9-paris-giua-long-ha-noi.html
  • https://vietblend.vn/nguyen-nhan-thanh-cong-cua-cong-ca-phe/
  • http://kinhtedothi.vn/trien-lam-ky-uc-ha-noi-noi-khoi-goi-nhung-ky-niem-ve-thoi-bao-cap-332850.html
  • http://www.goldenlion.vn/dot-nhap-nha-hang-thoi-bao-cap-giua-ha-noi
  • https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/bao-ton-di-san-do-thi-mot-doi-trong-trong-su-phat-trien-ben-vung.htm

Rate this post