Mạng xã hội ảnh hưởng đến sự định hướng nhân cách của giới trẻ

giới trẻ là gì
giới trẻ là gì

Tóm tắt: Trên thế giới và cả ở Việt Nam, số lượng người kết nối internet và tham gia mạng xã hội ngày càng tăng, đặc biệt tập trung vào nhóm người ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Thế giới ảo – mạng xã hội đang là một phần quan trọng trong không gian sống của cư dân mạng, là môi trường tinh thần đặc biệt của đời sống xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng tạo nên không ít ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành, định hướng nhân cách của giới trẻ hiện nay. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm, nghiên cứu đầy đủ để có những định hướng, giải pháp kịp thời nhằm phát huy mặt ảnh hưởng tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với nhóm dân số được coi là “rường cột” của đất nước.

social232

1. Giới trẻ Việt Nam và mạng xã hội

Theo cách hiểu phổ biến, giới trẻ là khái niệm chỉ nhóm người đang ở độ tuổi trưởng thành, có thể là thanh thiếu niên (15-25 tuổi), hoặc thanh niên (16-30 tuổi). Thực tế khi nghiên cứu về số người sử dụng mạng xã hội với những mục đích khác nhau, quan niệm trên đây cũng có thể xê dịch một chút. Giới trẻ ở các quốc gia khác nhau, tuy có sự khác biệt về tư tưởng, lối sống nhưng có một số điểm chung để phân biệt họ với các nhóm xã hội khác, đó là sự năng động, sáng tạo, thích khám phá, thậm chí là cả sự ham vui, sành điệu và chịu chơi…

Giới trẻ ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong dân số cả nước? Theo Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam năm 2015, dân số thanh niên tính đến năm 2014 là 25.078.764 người, chiếm 27,7% dân số cả nước; trong đó nam thanh niên là 12.756.842 người, nữ thanh niên là 12.321.922 người; thanh niên khu vực nông thôn là 17.797.550 người, thanh niên khu vực đô thị là 7.281.214 người. Hiện có khoảng hơn 16 triệu thanh niên tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 38,7% lực lượng lao động xã hội; hơn 6,5 triệu thanh niên trong độ tuổi đi học, chiếm 27,6%. Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử, nhóm dân số từ 10 đến 29 tuổi chiếm khoảng 33% dân số1. Như vậy, nếu tính cả độ tuổi trên dưới 15 và thanh niên, giới trẻ ở Việt Nam ước tính chiếm trên 30% dân số cả nước.

Dù nhìn ở phương diện nào thì giới trẻ – thanh niên, vẫn là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới quan niệm rằng chính sự khác biệt lớn về tư tưởng và lối sống trong nhân cách của giới trẻ hiện nay, là nguyên nhân tạo nên khoảng cách giữa các quốc gia trên biểu đồ GDP thế giới.

Việc quan tâm của giới trẻ đến mạng xã hội liên quan đến sự hình thành nhân cách của họ. Chỉ cần gõ cụm từ “giới trẻ và mạng xã hội” vào trang mạng tìm kiếm Google, chỉ sau 0,25 giây, trang mạng này đã đưa ra khoảng 3.880.000 kết quả; cụm từ “giới trẻ và Facebook” cho khoảng 5.380.000 kết quả (0,43 giây); cụm từ “giới trẻ và mạng Youtube” cho khoảng 5.360.000 kết quả (0,35 giây); cụm từ “giới trẻ Việt Nam và Facebook” cho khoảng 5.860.000 kết quả (0,48 giây); cụm từ “giới trẻ Việt Nam và Youtube” cho khoảng 6.410.000 kết quả(0,45 giây).

Mạng xã hội (social network) hay còn gọi là mạng xã hội ảo là khái niệm chỉ sự phát triển của truyền thông thế hệ mới (điện thoại di động, máy vi tính, mạng internet), gắn với sự xuất hiện của các hình thức, từ blog cho đến các trang mạng. Nếu truyền thông nghiêng về việc sản xuất và phân phối nội dung thông tin một cách có tổ chức trên phạm vi xã hội, thì mạng xã hội nhấn mạnh hơn đến sự tập hợp các thành viên, quan hệ liên kết giữa cá nhân và nhóm chia sẻ thông tin, quan điểm vì mục đích nào đó.

Một thống kê cho thấy, nếu tính theo đối tượng và lãnh thổ địa lý của mạng xã hội, đã có 72% số người sử dụng internet hiện đang hoạt động trên các mạng xã hội, số người sử dụng mạng xã hội trong độ tuổi 18-29 tuổi là 89%, 30-49 tuổi là 72%, 50-60 tuổi là 60%, trên 65 tuổi là 43%; 71% số người dùng truy cập mạng xã hội từ thiết bị di động2.

Việt Nam hiện đứng thứ 22 trên thế giới về số lượng người sử dụng mạng xã hội, thứ 6 trong top 10 nước châu Á về sử dụng internet. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quy định: “Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác” (khoản 22, Điều 3). Những trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng là Facebook, Youtube, Zing me, YuMe, Tamtay…

Thống kê của trang web wearesocial.net năm 2012 cho biết, số lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam là 8,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Trung bình cứ 3 giây có một người dân Việt Nam đăng ký tài khoản Facebook. Cũng theo trang này, độ tuổi sử dụng mạng xã hội Facebook chủ yếu là từ 13 đến 24 tuổi, chiếm 71%. Theo kết quả khảo sát ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh), có đến 799/820 học sinh (97,44%) sử dụng mạng xã hội3.

2. Mạng xã hội đối với định hướng nhân cách giới trẻ

Những khái niệm “Giới trẻ thời @”, “Giới trẻ thời facebook”, “Giới trẻ thời youtube”… đã nói lên mức độ hiện diện của cộng đồng trẻ trong thế giới ảo. Với bản chất liên kết và các đặc trưng có sẵn, tiện nghi, cấp thời của thông tin, mạng xã hội đã và đang tác động sâu sắc đến sự định hướng nhân cách của giới trẻ.

Nhân cách, trước hết là mặt xã hội của con người, phản ánh giá trị của con người trong xã hội. Nhân cách là một chỉnh thể những đặc điểm của cá nhân có tính lịch sử – cụ thể, quy định hành vi xã hội và giá trị của con người, tạo nên phẩm giá của con người. Nhân cách thể hiện phẩm chất xã hội của con người như: thế giới quan, niềm tin, thái độ chính trị – xã hội và phẩm chất cá nhân, thể hiện ở đạo đức, lối sống, tư cách, ý chí, tính kỷ luật, lòng dũng cảm. Ở một phương diện khác, nhân cách được biểu hiện ra như là năng lực thích ứng của con người trong môi trường xã hội. Nhân cách vì thế cũng có khi còn được phân biệt một cách tương đối, đó là nhân cách cá nhân và nhân cách xã hội.

Nhân cách con người được hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động thực tiễn và quan hệ xã hội. Sự phát triển nhân cách hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả phát triển về thể chất, tâm lý và phát triển về phương diện xã hội. Ngoài yếu tố di truyền, các yếu tố về môi trường, giáo dục, đặc biệt là hoạt động cá nhân có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

Về bản chất, ảnh hưởng của mạng xã hội đến sự định hướng nhân cách của giới trẻ là sự tác động đến định hướng giá trị nhân cách của họ. Cụ thể hơn, là sự tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến sự lựa chọn các giá trị cần có của một mẫu hình nhân cách đã được xác định, trên cơ sở đó cá nhân hay nhóm giới trẻ điều chỉnh nhận thức, hành vi sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Hiện tượng tiêu cực, phản giá trị trong nhận thức, hành vi của giới trẻ trên mạng xã hội và thể hiện của họ trong thực tế, chính là sự lệch chuẩn về giá trị nhân cách.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 1/3 dân số đang sở hữu tài khoản Facebook. Có thể khái quát về ảnh hưởng của mạng xã hội Facebook đến định hướng nhân cách giới trẻ như sau4:

Về mặt tích cực: Mạng xã hội Facebook đã và đang tạo ra môi trường giáo dục, chia sẻ thông tin về các giá trị, để trong không gian đó, giới trẻ thể hiện quan điểm cá nhân, điều chỉnh hành vi nhân cách. Tham gia mạng xã hội, họ có thể bày tỏ nhu cầu, tạo lập các mối quan hệ, chia sẻ thông tin, cũng như tham khảo ý kiến, trải nghiệm của mình về quan điểm, thái độ sống, hành vi ứng xử. Có thể thấy điều đó thông qua những chủ đề, nội dung mà giới trẻ quan tâm:

– Bày tỏ thái độ chính trị – xã hội: khoảng 4.740.000 kết quả (0,46 giây); bàn về lòng yêu nước: khoảng 962.000 kết quả (0,35 giây); quan tâm đến lý tưởng sống: khoảng 1.530.000 kết quả (0,47 giây); bàn về lối sống: khoảng 446.000 kết quả (0,43 giây); quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo: khoảng 709.000 kết quả (0,27 giây). Nhiều cuộc tranh luận, trao đổi đã giúp nâng cao ý thức trách nhiệm công dân cũng như khích lệ giới trẻ bày tỏ thái độ đối với các vấn đề chính trị – xã hội.

– Bàn về trách nhiệm xã hội của giới trẻ: khoảng 2.180.000 kết quả(0,46 giây); bàn về giá trị cuộc sống: khoảng 778.000 kết quả (0,58 giây); quan tâm đến giá trị tình yêu: khoảng 1.130.000 kết quả (0,42 giây); bàn về lòng tốt: khoảng 1.910.000 kết quả (0,58 giây); quan tâm làm từ thiện: khoảng 5.150.000 kết quả (0,40 giây). Nhiều cá nhân và nhóm giới trẻ thông qua mạng xã hội đã cùng nhau và cùng với các nhóm xã hội khác tổ chức nhiều hoạt động từ thiện rất có ý nghĩa đối với cộng đồng.

– Bàn về trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc: khoảng 635.000 kết quả (0,56 giây). Những vấn đề được quan tâm cụ thể hơn như: văn hóa giao tiếp ứng xử của giới trẻ; văn hóa ngôn ngữ và vấn đề giáo dục ngôn ngữ văn hóa trong giới trẻ; vai trò của sinh viên, thanh niên trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Về mặt tiêu cực: Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ý kiến cho rằng, mạng xã hội đang là “con dao hai lưỡi”. Tìm kiếm các bài viết về tác động tiêu cực của mạng xã hội đến định hướng nhân cách của giới trẻ cho khoảng 133.000 kết quả (0,45 giây), trong đó nhiều bài viết trao đổi về tính hai mặt của mạng xã hội; ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống của giới trẻ; sự vô cảm từ những nút “like” trên Facebook; bàn về “rác” trên Facebook; phê phán lối sống ảo của giới trẻ trên mạng xã hội…

Mạng xã hội cũng là nơi cung cấp những thông tin phản giá trị, có ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của giới trẻ. Sự tiêu cực thể hiện qua những phát ngôn bừa bãi, thậm chí chửi bới cả người thân, thầy cô mà mục đích của hành vi đó đôi khi chỉ vì muốn gây ấn tượng với mọi người. Cũng không hiếm hình ảnh về hành động phản cảm, trái với đạo lý, thậm chí vi phạm pháp luật được tung lên mạng, lại được không ít thành viên mạng là cá nhân, nhóm giới trẻ quan tâm, cổ vũ. Một số chủ đề các bài viết phản ánh mặt tiêu cực của mạng xã hội đến giới trẻ:

– Về lối sống buông thả: khoảng 339.000 kết quả (0,45 giây). Sống buông thả của giới trẻ là sống thiếu lý tưởng, sống theo sở thích ích kỷ của bản thân, đi ngược lại kỷ cương, phép tắc và những chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội.

– Về rác sex trên Facebook: khoảng 900.000 kết quả (0,41 giây). Báo Tuổi trẻ Online (ngày 31-7-2015) khi bàn về rác sex trên mạng đã khẳng định rằng, mạng xã hội Facebook hiện nay đang tràn lan những video, clip sex, ảnh đồi trụy (gọi chung là spam sex). Nhiều người dùng, đặc biệt là giới trẻ dù muốn hay không cũng vẫn bị những hình ảnh sex đập vào mắt, khi mà tài khoản đăng ký bị nhiễm spam sex.

– Về giới trẻ và bạo lực: khoảng 921.000 kết quả (0,43 giây). Xu hướng ứng xử, hành xử bạo lực của giới trẻ cả trên mạng ảo lẫn trong đời thực đang là vấn đề gây nhức nhối và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Các bài viết đã phản ánh thực trạng từ sự vô tư chửi tục đến sự gia tăng bạo lực của giới trẻ trong xã hội, gia đình và học đường.

Mạng xã hội đã và đang làm cho không ít người trẻ quen sống trong thế giới ảo với những giá trị ảo. Chúng ta dễ dàng đồng tình với ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày nay “ăn Facebook, chơi Facebook, ngủ Facebook”. Khi mà những giá trị ảo lên ngôi thì trong “xã hội thu nhỏ” của mạng, họ thỏa sức thể hiện mình bằng nhiều cách, bày tỏ chính kiến chỉ bằng các động tác “post status”, post hình, share link, thậm chí từ những slogan “cửa miệng” mang giá trị ảo trên mạng, nhưng lại khiến họ hành động thật dù đánh đổi cả danh dự, mạng sống của mình và người khác, điển hình là trào lưu khoe thân, khoe của, “thích thì làm”, “nói là làm”.

Sống ảo còn khiến cho người ta trở nên vô cảm, hoặc thể hiện tình cảm, trách nhiệm ảo thay vì hành động thật. Không hiếm hình ảnh các bạn trẻ thể hiện tình thương, sự đồng cảm với người thân, chia sẻ với sự bất hạnh của người khác chỉ bằng hình ảnh like và share, rồi tung hô nhau. Thay vì lao động, học tập, vui chơi lành mạnh, họ đã dành phần lớn thời gian để sống trong thế giới ảo với những giá trị của “nhân cách ảo”.

3. Nguyên nhân mặt tiêu cực của mạng xã hội

Tác động tiêu cực của mạng xã hội đến sự hình thành nhân cách giới trẻ hiện nay có nguyên nhân từ các yếu tố về kinh tế – xã hội; môi trường giáo dục, quản lý từ gia đình, nhà trường, xã hội và từ chính hoạt động, nhận thức cá nhân của giới trẻ.

Trước hết, phải nói tới sự chuyển đổi về cơ chế kinh tế – xã hội trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện hiện nay là nguyên nhân của sự chuyển đổi về định hướng giá trị nhân cách con người Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng. Khi môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên. Đảng ta nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước…, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…”5. Đây là một trong những nguyên nhân tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của giới trẻ.

Thứ hai, nguyên nhân từ sự lệch lạc trong định hướng khuôn mẫu hình tượng cho giới trẻ của truyền thông. Một nghiên cứu khảo sát hai tờ báo Tiền phong và Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 cho thấy: Khi phân tích nội dung 278 tác phẩm báo chí viết về các nhân vật nổi tiếng, trong đó có đến 84,9% số nhân vật là đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu, nhạc sĩ… Những nhân vật nổi tiếng là người đem lại lợi ích cho cộng đồng chỉ chiếm 5%; chỉ có 5/278 nhân vật là nhà khoa học; 9/278 nhân vật là nhà văn… Cũng theo kết quả nghiên cứu này, có đến 21,9% số bài là viết về tai tiếng của các nhân vật. Thực tế này cho thấy dù ý thức hay không, thì hai tờ báo này vô tình đã tạo khuôn mẫu hình tượng cho giới trẻ thuộc giới ca sĩ, diễn viên điện ảnh và người mẫu6. Những quảng cáo truyền thông về các sản phẩm đồ ăn, thức uống, đồ dùng, tràn ngập hình ảnh thiếu lành mạnh… đang góp phần định hướng một cách lệch lạc, méo mó giá trị sống và nhân cách của giới trẻ.

Thứ ba, nguyên nhân từ sự nhận thức và chia sẻ của gia đình, môi trường giáo dục của nhà trường và xã hội. Thiếu sự quan tâm hoặc ngược lại, việc nuông chiều con cái quá mức của gia đình đều ảnh hưởng đến sự hình thành và định hình nhân cách của giới trẻ. Trong số các trẻ vị thành niên phạm pháp ở Việt Nam thì có đến hơn 70% trẻ không được quan tâm chăm sóc đầy đủ từ gia đình. Theo con số thống kê của trường Đại học An ninh nhân dân, hoàn cảnh gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến việc trẻ phạm tội như sau: 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ nghiện ma túy, ham mê cờ bạc; 21% có gia đình làm ăn phi pháp; 8% có anh chị có tiền án, tiền sự; 10,2% trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ; 32% trẻ có bố mẹ ly hôn; 49% trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đập, mắng mỏ; 21% được nuông chiều quá mức, 28% bố mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu và 75% trẻ không được gia đình quan tâm quản lý7.

Thứ tư, nguyên nhân từ sự thiếu ý chí, tinh thần tự học hỏi, rèn luyện của bản thân nhiều người trẻ. Nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết với 15.736 trường hợp án hình sự của vị thành niên, thì có đến 85% trường hợp vi phạm là do bản thân thiếu tu dưỡng, ham chơi, thích hưởng thụ.

Những giải pháp nhằm hạn chế mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực của mạng xã hội đối với việc định hướng nhân cách cho giới trẻ nước ta sẽ tiếp tục được các tác giả đưa ra trong số Tạp chí tiếp theo.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hương – Đào Duy Anh

1. Bộ Nội vụ – Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam, tháng 6-2015, tr. 9-10.

2. Quý Minh: “Mạng xã hội và người sử dụng”, http://ictvietnam.vn/mang-xa-hoi-va-nguoi-su-dung-4983-bcvt.htm.

3. Lê Thị Huyền: “Việc sử dụng mạng xã hội Facebook trong thanh thiếu niên hiện nay – một vài suy ngẫm”, http://canbotre-dev.greenglobal.vn/thong-tin-tham-khao/viec-su-dung-mang-xa-hoi-facebook-trong-thanh-thieu-nien-hien-nay-mot-vai-suy-ngam.html.

4. Khảo sát của tác giả bài viết ngày 17-12-2016.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

6. PGS. TS. Đỗ Thu Hằng: “Giáo dục giá trị cho giới trẻ trên báo chí hiện nay”, http://www.tuyengiao.vn/Home/Thuc-tien-kinh-nghiem/baochixuatban/82031/Giao-duc-gia-tri-cho-gioi-tre-tren-bao-chi-hien-nay.

7. Dẫn theo TS. Ngô Hoàng Oanh: “Tình hình tội phạm vị thành niên, thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp”.

Rate this post