Đội lốt là khái niệm chỉ thói giả danh cái tốt để làm điều xấu xa. Khái niệm này hoàn toàn đúng với những kẻ giả danh nhân quyền để làm những điều phản nhân quyền. Hãy xem bộ mặt thật của các thế lực thù địch đội lốt nhân quyền chống Việt Nam qua phác thảo của một số người Mỹ.

Mỉa mai thay! Ý tưởng đẹp đẽ của các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã bị không ít vị kế nhiệm phản bội bằng chính sách cường quyền, nô dịch không ít quốc gia, mà Việt Nam là một nạn nhân điển hình. Trong cuộc viễn chinh xâm lược Việt Nam, Quân đội Mỹ và tay sai đã lùa hàng triệu người dân vào 16.000 ấp chiến lược – thực chất là các trại tù tập trung – và nói là để “xây dựng chế độ dân chủ” ở miền Nam Việt Nam; dội lên đầu mỗi người dân Việt Nam 45,5 ki-lô-gam bom đạn; tiến hành hàng trăm nghìn cuộc vây ráp, khủng bố và giết chóc; trút xuống lãnh thổ Việt Nam 80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó có 61% chất độc da cam, chứa 366 ki-lô-gam chất đi-ô-xin). Chỉ tính khối lượng chất độc khổng lồ này, Mỹ đã khiến gần 5 triệu người Việt Nam bị chết, bị tàn tật và bị vô sinh oan uổng. Chưa nói đến sự hủy diệt của bom đạn, chừng đó cũng đủ thấy: bằng việc tước đi những quyền cơ bản nhất của một dân tộc, Mỹ đã trở thành một trong những thế lực chống lại các quyền con người có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Không ai khác, chính những người Mỹ đã góp phần lật tẩy bộ mặt thật của giới cầm quyền Mỹ đội lốt nhân quyền trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. J. Râu-đơ, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam kể rằng, vào giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chính quyền hiếu chiến Mỹ ráo riết tăng cường các hoạt động tuyên truyền lừa dối về các hoạt động chiến tranh phi nghĩa rồi tìm mọi cách ép thanh niên nhập ngũ để chiến đấu “bảo vệ công lý”, “chống lại cái ác” đang diễn ra ở Việt Nam. Ông nói: “Tất cả những gì chúng tôi biết về Việt Nam khi chúng tôi còn ở Mỹ đều là giả dối. Không ai từng nói cho chúng tôi biết về Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, rằng chúng tôi chính là những kẻ xâm lược, ngăn cản sự thống nhất của một dân tộc đã từng sát cánh cùng với quân đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ II”. Còn A. Xau-va-giốt, cựu đại tá quân đội Mỹ, kể rằng, ông đã tin một cách mù quáng vào tuyên truyền của Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ vì ông không hoàn toàn biết gì về Việt Nam. Ông cho biết, trong thời gian tham gia chiến tranh, ông đã hiểu chính nghĩa thuộc về những người Việt Nam không cam chịu ách nô lệ. Sau đó, ông bộc bạch: “Nếu như trước khi tham gia cuộc chiến tại Việt Nam tôi biết được điều này thì tôi chắc chắn theo cách mạng chống ngoại xâm”.

Thật đúng bộ máy tuyên truyền chiến tranh của Mỹ xứng đáng được tôn là bậc thầy! Chẳng thế mà, gây ra cuộc chiến tranh cướp đi mạng sống của hàng triệu người, tước đi quyền được sống cho ra sống của hàng triệu người khác, với rắp tâm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, đưa “Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, nhưng Mỹ lại nói là để thực thi sứ mệnh nhân quyền, hòa bình, dân chủ! Đó là bộ mặt thật của giới cầm quyền Mỹ đội lốt nhân quyền trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó cũng là một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ; là một chương buồn trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người trong lịch sử thế giới đương đại.

Tưởng những gì đã diễn ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là quá đủ để phơi bày bộ mặt xấu xa của đám người “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”. Ấy vậy mà, sau ngày kết thúc chiến tranh, các thế lực thù địch vẫn cố tình dựng lên cảnh “tắm máu” rùng rợn của Cộng sản đối với những ai từng là người của chính quyền Sài Gòn, hay hung tin “hàng chục nghìn người đã bỏ mình trong các trại cải tạo”. Song, chẳng hề có cảnh “tắm máu” hay “hàng chục nghìn người bỏ mạng” nào cả. Và sự bịa đặt trơ trẽn đó, một lần nữa, lại bị bóc trần trước thanh thiên bạch nhật.

Còn nữa! Trong những năm gần đây, vẫn là cái thói đội lốt nhân quyền, lấy danh nghĩa đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, Hạ viện Mỹ đã năm lần bảy lượt thông qua cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam”!

Nhưng đằng sau những dự luật ấy là gì?

Không còn là thời kỳ chiến tranh để những kẻ hiếu chiến núp bóng nhân quyền tự tung tự tác chém giết được nữa. Sau chiến tranh và giờ đây, các thế lực cường quyền sử dụng vấn đề nhân quyền làm công cụ – nói đúng hơn – đội lốt nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc, nhất là đối với các nước đi theo con đường XHCN. Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch luôn đặt Việt Nam vào trọng tâm của chiến lược, và cái gọi là các “dự luật nhân quyền Việt Nam” trên chính là một phần trong chiến lược đó. Chính vì thế, nội dung nhân quyền trong các dự luật này không chỉ có những lời lẽ cáo buộc tùy tiện, mà còn chứa đựng sự nạt nộ, mặc cả thô thiển. Nói một cách khác, các dự luật đó đã đội lốt nhân quyền, “mang cái ô nhân quyền” để chủ nhân của chúng thực hiện ý đồ chính trị, đi ngược lại với tinh thần của Bản Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người.

Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi mà “tác giả” của các dự luật trên bị không ít người Mỹ chân chính phản đối gay gắt. B. Brô-gan, một người Mỹ từng sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 1992 đến năm 1996, đã coi “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2007” là “dự luật nhân quyền vô nghĩa, thù địch”. Ông viết: “Tôi tin tình cảm của tôi đối với đất nước các bạn (Việt Nam) còn có sự đồng cảm của nhiều người Mỹ khác, những người thực sự hiểu rõ về Việt Nam. Tôi cũng tin rằng, nhiều người Mỹ thấy rõ sự “đạo đức giả” ở Hạ viện Mỹ. Các bạn hãy tin chắc rằng, rất nhiều người Mỹ không mấy tin vào sự “sáng suốt” của Hạ viện Mỹ và chúng tôi sẽ hoàn toàn không tin vào những vấn đề họ đưa ra nhằm hạ thấp vị thế của Việt Nam”2. Trước đó, G. Ke-li, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, đã gửi thư cho C. Xmít (nghị sĩ Cộng hòa, người đưa ra dự luật trên và cũng là người khởi thảo “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012”), phản đối vì cho rằng C. Xmít đã lạm dụng những cáo buộc phi lý, đặc biệt vô trách nhiệm và là nguyên nhân gây ra đau đớn cho những người Việt Nam. Trong thư, sau khi đề cập đến các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, ông viết: “Liệu có cái nhân quyền nào cơ bản hơn quyền được sống không?” trước khi khuyên C. Xmít, thay vì vẫn tiếp tục đưa ra những “mớ giẻ cũ”, hãy dùng thời gian để làm điều gì đó tốt hơn cho Việt Nam vào lúc này.

Hãy trở lại với các câu chuyện của A. Xau-va-giốt và J. Râu-đơ. Sau gần 20 năm với nhiều lần đi về giữa Việt Nam và Mỹ, A. Xau-va-giốt nói: “Tôi cho rằng chưa bao giờ Việt Nam phát triển kinh tế mà không gắn với quyền lợi của người dân”, và: “Về tôn giáo, tôi thấy Việt Nam tự do hơn Mỹ. Trên lý thuyết, Hiến pháp của cả Mỹ và Việt Nam bảo đảm tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chính trị gia của Mỹ khai thác tôn giáo để được phiếu bầu của các thành phần cực đoan. Còn Việt Nam rất thoải mái”.

Không được may mắn như A. Xau-va-giốt, J. Râu-đơ bị phơi nhiễm đi-ô-xin từ chất độc diệt cỏ của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ở một đất nước mà người ta luôn đi áp đặt giá trị nhân quyền cho nước khác, ông lại bị Chính phủ và các bệnh viện ở Mỹ từ chối điều trị chỉ vì… chi phí quá lớn! Năm 1990, ông đã trở lại Việt Nam để tìm kiếm phương thuốc cho mình. Và, ở đất nước bị nhiều chính khách Mỹ cáo buộc vi phạm nhân quyền, lại dang tay đón nhận, điều trị và chăm sóc ông. Ông đã sống, điều mà nhiều bạn bè của ông ở Mỹ không thể tin nổi. Ông nói không một chút đắn đo: “Chính mảnh đất nơi tôi từng gieo rắc cái chết lại mở ra cho tôi một cuộc sống mới”. Còn đề cập đến vấn đề nhân quyền, tôn giáo, ông cho biết: “Tôi đã đi khắp nơi ở Việt Nam và chưa bao giờ tôi bị từ chối quyền đi theo tôn giáo của tôi. Tôi cũng chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì có thể bị coi là vi phạm nhân quyền. Nhưng tôi không thể nói điều tương tự với những gì đang diễn ra tại Mỹ. Tôi bị sa thải công việc nhiều lần chỉ vì tôi thúc đẩy các quyền của cộng sản vô thần” (các nạn nhân của chất độc da cam). Hẳn đó là lý do, là động lực để vợ chồng ông tha thiết được trở thành những công dân Việt. Và sau khi cảm động nói rằng, người Việt Nam là những người tình cảm nhất, đáng yêu nhất, biết tha thứ nhất mà ông từng gặp trên đời này, ông nói với các bạn mới Việt Nam như thể nói với chính mình: “Một căn nhà nhỏ, một cuộc sống thanh bình, giản dị. Tôi mơ ước được sống những năm tháng còn lại ở Việt Nam, quê hương thứ hai của tôi. Chưa nơi đâu tôi cảm thấy an bình, nhẹ nhõm như nơi này. Không cần phải sở hữu một chiếc xe hơi, không cần sợ hãi bởi những kẻ quá khích hay nạn phân biệt chủng tộc, cũng không cần phải mang theo vũ khí bên người, những người bất chợt gặp trên phố đều có thể là bạn… Với chúng tôi, cuộc sống như thế là quá tuyệt vời”.

Có lẽ chẳng cần thiết phải nói về thành tựu bảo đảm quyền con người của Chính phủ Việt Nam ở đây nữa. Những người bạn Mỹ chân chính đã nói giúp chúng ta. Bởi vậy, những ai đó còn cố tình mang danh nhân quyền để chống Việt Nam thì hãy nghĩ lại, và nếu có thể thì hãy đến đất nước này để tận mắt chứng kiến các quyền của người dân Việt Nam được bảo đảm trên thực tế như thế nào. Xin đừng có những lời nói hoặc hành động hồ đồ, rằng “Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo,…” mà không rõ thực hư.

ĐỨC LÊ

1 – 9 bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, Nxb Văn hóa – Thông tin, H. 2006, tr. 17.

2 – Thư của một công dân Mỹ “Thảm họa gây ra bởi Hạ viện Mỹ”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 03-10-2007.

Rate this post