Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là bệnh phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 30 – 50. Nếu không được điều trị tận gốc, đau thần kinh tọa có thể làm người bệnh bị suy giảm các chức năng vận động một cách nghiêm trọng.

đau thần kinh tọa là gì
Đau dây thần kinh tọa khiến người bệnh khó khăn trong hoạt động

1. Đau thần kinh tọa là gì?

Dây thần kinh toạ (dây thần kinh hông to) là dây thần kinh kéo dài từ phần dưới thắt lưng đến tận các ngón chân. Chức năng chính của dây thần kinh tọa là chi phối vận động và cảm giác chi dưới.

Đau thần kinh tọa là cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau xuất phát từ cột sống thắt lưng, lan ra mặt ngoài đùi, mặt trước cẳng chân, mắt cá ngoài đến tận các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của các cơn đau có thể khác nhau.

Các dấu hiệu của đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Đau thắt lưng, lan dọc xuống chân theo đường đi của dây thần kinh tọa.
  • Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc đau âm ỉ, tăng lên khi người bệnh vận động quá sức, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi.
  • Ngoài triệu chứng đau thần kinh tọa, người bệnh có thể kèm theo cảm giác tê nóng, đau rát bỏng hoặc kiến bò ở các khu vực bị đau.

Tìm hiểu rõ hơn về đau thần kinh tọa – Tư vấn cùng chuyên gia:

2. Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chính gây đau thần kinh kinh tọa (chiếm 80% các trường hợp). Theo đó, khi đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường, dây thần kinh tọa sẽ bị chèn ép dẫn tới cảm giác đau buốt. Điều này cũng xảy ra tương tự với những người bị gai cột sống hoặc có khối u hoặc nang nằm trên cột sống.

thoát vị đĩa đệm có thể là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chính gây đau dây thần kinh tọa

Các yếu tố nguy cơ:

  • Tuổi tác: Hầu hết những người bị đau thần kinh tọa ở độ tuổi từ 30 đến 50.
  • Trọng lượng: Tăng cân có thể gây áp lực lên cột sống của bạn, điều này có nghĩa là bạn dễ bị đau thần kinh tọa khi mang thai hoặc bị thừa cân béo phì.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh này có thể gây tổn thương thần kinh, từ đó gây ra đau thần kinh tọa.
  • Tính chất công việc khiến bạn phải khiêng nhấc vật nặng thường xuyên hoặc ngồi lâu ở một tư thế cũng có thể làm tổn thương đĩa đệm và gây ra đau thần kinh tọa.

3. Đau dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Đau thần kinh tọa là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, những biến chứng đau thần kinh tọa gây nhiều khó chịu cho người bệnh và có thể gây suy giảm chức năng vận động.

Khi bị đau dây thần kinh tọa mãn tính, cơn đau có thể xuất hiện liên tục và kéo dài khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nếu dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng thì có thể ảnh hưởng đến hệ cơ, gây ra yếu và teo cơ, ví dụ như chứng thả bàn chân (tên gọi khác: tổn thương thần kinh mác, bàn chân rớt, foot drop). Tình trạng này khiến chân người bệnh thường xuyên bị tê và không thể đi lại bình thường.

Nguy hiểm hơn, đau dây thần kinh tọa có thể gây tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn, từ đó dẫn đến mất cảm giác hoàn toàn ở chân.

Xem thêm: Các biến chứng đau thần kinh tọa

4. Cách phân biệt đau thần kinh tọa với bệnh lý khác

Các triệu chứng của đau dây thần kinh tọa có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm và hội chứng cơ hình lê. Điều này có thể khiến chẩn đoán sai dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Vậy điểm khác biệt giữa thoát vị đĩa đệm, hội chứng cơ hình lê và đau thần kinh tọa là gì?

4.1. Phân biệt đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm

Đau thần kinh tọa có thể là triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hoặc các bệnh lý khác. Người bệnh có thể cùng lúc mắc phải cả hai tình trạng thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, cơn đau của 2 bệnh lý này có một số điểm khác biệt như:

  • Cơn đau thần kinh tọa xuất hiện theo đường đi của dây thần kinh tọa, kéo dài từ vùng thắt lưng lan xuống hông, mông và chân, kèm theo biểu hiện nóng rát kể cả khi nghỉ ngơi.
  • Cơn đau do thoát vị đĩa đệm xuất hiện ở vùng thắt lưng ở cả hai bên cơ thể. Cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng thắt lưng và tăng dần khi gắng sức.

4.2. Phân biệt đau thần kinh tọa và hội chứng cơ hình lê

Cơn đau của đau thần kinh tọa và hội chứng cơ hình lê đều chạy dọc từ thắt lưng, lan xuống mông, bàn chân và ngón chân, gây tê nhức, ngứa ran một bên cơ thể. Tuy nhiên:

  • Cơn đau thần kinh tọa thường dữ dội hơn cơn đau do hội chứng cơ hình lê, ảnh hưởng đến hoạt động và di chuyển của người bệnh.
  • Cơn đau của hội chứng cơ hình lê thường không xuất hiện ở mặt ngoài đùi. Ngoài ra, cơn đau của hội chứng này có thể giảm đi khi người bệnh đi bộ hướng bàn chân ra ngoài do tư thế này giúp giảm sự bó chặt ở cơ hình lê.
phân biệt đau thần kinh tọa
Cơn đau do thần kinh tọa có thể gây nhầm lẫn với các dấu hiệu về sức khỏe khác

Tham khảo: Cách phân biệt đau thần kinh tọa và hội chứng Piriformis

5. Đau thần kinh tọa có chữa khỏi không?

Đau thần kinh tọa có thể chữa khỏi nếu điều trị đúng nguyên nhân và đúng phương pháp. Do đó khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn không nên tự ý điều trị tại nhà mà nên đến bác sĩ để kiểm tra và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

6. Các kỹ thuật chẩn đoán đau thần kinh tọa

6.1. Thăm khám với bác sĩ

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý và các triệu chứng gần đây của bạn để sàng lọc các nguy cơ. Điều này giúp bác sĩ quyết định có cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác để xác định tình trạng bệnh lý chính xác hơn.

6.2. Kiểm tra khả năng vận động

Phương pháp kiểm tra này giúp xác định mức độ, vị trí và nguyên nhân khiến bạn bị đau. Các động tác kiểm tra có thể bao gồm:

  • Đi kiễng gót chân để kiểm tra sức mạnh của cơ bắp chân.
  • Nâng chân thẳng để xác định chính xác các dây thần kinh bị ảnh hưởng và xác định xem bạn có gặp vấn đề về đĩa đệm hay không.
  • Các động tác kéo căng và chuyển động khác để xác định cơn đau và kiểm tra độ linh hoạt và sức mạnh của cơ.

6.3. Chẩn đoán hình ảnh

Để tăng mức độ tin cậy, nhất là với trường hợp đau thần kinh tọa mãn tính, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện thêm các kiểm tra hình ảnh như:

  • Chụp X-quang cột sống để kiểm tra vị trí của các đốt sống, gai xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để xem hình ảnh chi tiết của đĩa đệm và các mô mềm bao quanh cột sống.
  • Điện cơ đồ (EMG) để kiểm tra mức độ di chuyển của các xung điện qua dây thần kinh tọa và phản ứng của các cơ.
  • Chụp tủy đồ để xác định xem đốt sống hoặc đĩa đệm có gây chèn ép tủy, từ đó gây ra cơn đau hay không.

Rate this post