Cọn nước – bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường

con nước là gì
con nước là gì

Huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ không chỉ thu hút những người ưa khám phá bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, những đồi chè mướt mắt, mà còn bởi cả những lớp trầm tích văn hóa cổ đặc sắc của người Mường. Một trong những biểu tượng làm nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất nơi đây, chính là những chiếc cọn nước ngày đêm reo vui, xôn xao những con suối, cõng nước tưới tiêu cho đồng ruộng, đem lại mùa vàng ấm no cho bản làng.

Từ hàng trăm năm trước, người Mường định cư ở vùng sơn cước đã tạo ra rất nhiều cọn nước. Nhờ lực đẩy của dòng nước chảy, các cọn nước cứ chầm chậm quay từng vòng bên suối. Những chiếc cọn nước hình tròn đủ các kích thước to, nhỏ khác nhau, chiếc nhỏ đường kính 3-4m, chiếc lớn lên đến 6m. Theo vòng quay đều đều, nhịp nhàng, từng chiếc lan guồng của cọn sẽ đưa nước ở suối lên cao rồi đổ vào máng gỗ. Từ đây nước sẽ chảy vào những chiếc ống bương hoặc ống nhựa gắn sẵn để chảy về nhà hoặc ra đồng ruộng.

Cứ vào đầu vụ trồng trọt, người dân lại làm cọn nước để chủ động dẫn nước về đồng ruộng. Đây là biện pháp mang tính truyền thống có từ rất lâu, được bà con duy trì cho đến ngày nay, nhờ vậy mà toàn bộ diện tích lúa và cây màu được đảm bảo về nguồn nước, không có diện tích bị hạn.

Theo người dân bản địa, làm cọn nước đòi hỏi sự công phu, cẩn thận, tỉ mỉ và khả năng tư duy khá chính xác. Cọn nước được làm hoàn toàn thủ công, tận dụng những vật liệu có sẵn từ tự nhiên, đã trở thành nét đặc trưng riêng có của miền sơn cước.

Để chiếc cọn nước bền, đẹp, người làm cọn nước sẽ cẩn trọng lựa chọn từng cây gỗ; tỉ mỉ với từng nút thắt, mối nối… Người dân bản địa coi trục quay là “trái tim” của cọn nước nên khi sử dụng nguyên liệu làm trục cần chọn cây gỗ thẳng, vừa nhẹ, vừa mềm, không bị mài mòn và có khả năng chịu nước cao, giúp cọn nước hoạt động trơn tru mà không cần sử dụng thêm vòng bi hay bạc sắt phụ trợ như các loại trục quay khác.

Tiếp đó là đến công đoạn làm nan cọn, phải chọn loại nứa có thân thẳng, nhọn, già, đủ tuổi. Tùy thuộc vào kích thước cọn nước để xác định độ dài tương ứng và số lượng của các nan cọn. Nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc bằng cách đục lỗ khéo léo trên thân trục tương ứng với số nan sao cho vừa khít, sau đó cố định bằng những sợi dây mây, dây rừng dẻo dai. Xung quanh vành khung cọn, người ta đặt các cánh quạt đan từ phên nứa để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay; đồng thời, gắn các gầu múc nước bằng ống bương. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục để gầu múc nước, đến tầm cao nhất định thì các gầu bắt đầu dốc nước vào các ống dẫn bằng bương.

Theo hệ thống máng dẫn xuống dốc, nước chảy về ruộng. Tùy theo địa hình, địa thế mà lựa chọn cọn nước có kích thước phù hợp, đảm bảo nước tưới cho cây trồng, giảm bớt sức lao động.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Sơn có hàng trăm cọn nước, tập trung chủ yếu ở bản Hắm, bản Chuôi, bản Ngán, Bãi Lau (xã Khả Cửu). Đối với bản Hắm, bản Chuôi – địa điểm được lựa chọn làm du lịch cộng đồng đã được UBND huyện Thanh Sơn hỗ trợ một phần kinh phí, cùng với sự đồng lòng, góp công, góp sức của người dân địa phương, từ năm 2018, riêng ở bản Hắm đã có trên 20 chiếc cọn nước chạy dọc con suối, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của miền non nước. Tính đến nay, nơi đây đã thu hút được trên 500 đoàn khách đến thăm quan, tìm hiểu.

Thông thường, mỗi chiếc cọn nước sẽ có tuổi đời 2 – 3 năm. Tuy nhiên, sau mỗi mùa mưa bão, nhiều chiếc bị cuốn trôi hoặc hỏng hóc. Người dân làng trên, xóm dưới lại cùng nhau sửa chữa, dựng cọn dẫn nước để kịp cho vụ mùa. Bởi vậy, cọn nước không chỉ đơn thuần là công cụ trong lao động sản xuất, là công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng của bàn tay, khối óc con người, mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống, là nút thắt tình cảm đoàn kết bản làng thêm thắm đượm, nghĩa tình.

Lãnh đạo UBND xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 88ha lúa nước, trong đó có tới 80% diện tích của xã nằm dọc bờ suối Dân từ khu Chuôi xuống khu Mu. Vài năm trở lại đây, Xí nghiệp thủy nông Thanh Sơn đã nhận bàn giao, vận hành các công trình thủy lợi, cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Sơn, tuy nhiên, với đặc thù đất cát pha nên việc tích tụ nước vào đồng ruộng, đảm bảo nước phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với vụ chiêm. Vì vậy, người dân xã Khả Cửu vẫn làm các cọn nước dọc các con suối để lấy nước vào ruộng.

Trong thời gian tới, xã Khả Cửu khuyến khích người dân tiếp tục duy trì, sử dụng cọn nước ở những diện tích gần khe, suối, vận động người dân sửa chữa, thay thế những cọn nước đã bị hư hỏng để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Trân trọng và nâng niu những giá trị văn hoá từ cọn nước, nay đã có những cọn nước thu nhỏ lại đưa về gia đình nơi phố thị trong sự chau chuốt sớm chiều của người yêu rừng nhớ suối. Những vòng quay mải miết như ấp ủ câu chuyện từ thủa ấu thơ mẹ se sợi nhuộm chàm, như những vòng ô xoay tròn kín đáo che mặt người thương buổi đầu gặp gỡ, như những vòng xoè rực rỡ trong đêm hội vùng cao. Đi suốt tháng năm vẫn không thể mờ phai những vòng xoay mềm mại, kiên trì, nhẫn nại và mộc mạc như người dân quê chịu khó, chịu thương trong mưa sớm nắng chiều.

Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án, miền núi đã và đang có thêm nhiều kênh mương bê tông cốt thép tưới nước cho các cánh đồng, sẽ có ít người duy trì cách lấy nước thủ công từ những chiếc cọn nước làm bằng vật liệu thô sơ. Mặc dù vậy, người miền núi vẫn sâu nặng một niềm tin còn cọn quay là còn những nốt nhạc vui mang hồn cây hồn suối, ngân mãi bản tình ca về một miền quê giàu bản sắc đang tươi mới từng ngày từ những gì xưa cũ mà nặng lòng với bao thế hệ…

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mường đối với sự phát triển toàn diện của huyện, cũng như phát triển du lịch trên địa bàn huyện Thanh Sơn, UBND huyện đã xây dựng “Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Thanh Sơn”. Trong đó, cọn nước cũng là một trong những di sản văn hóa Mường được bảo tồn.

Đến nay, dù nhiều bản làng đã được lắp đặt đường dẫn nước sạch về, nhưng nhiều bà con đồng bào ở huyện Thanh Sơn vẫn giữ tập quán sử dụng cọn nước. Với họ, những chiếc cọn nước không chỉ là vật dụng lấy nước đơn thuần, mà còn là một biểu tượng văn hóa đặc sắc được truyền lại từ đời ông cha cần được giữ gìn. Nó vừa là sản phẩm sáng tạo lâu đời, vừa như điểm tô cho bức tranh miền sơn cước thêm đẹp, từ đó tạo nên tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Rate this post