Chứng thư bảo lãnh và những lưu ý cho doanh nghiệp

chứng thư bảo lãnh là gì
chứng thư bảo lãnh là gì

Bảo lãnh tín dụng là cam kết bằng văn bản của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả hoặc trả không đầy đủ, đúng hạn nợ vay đã cam kết với bên nhận bảo lãnh theo quy định tại hợp đồng bảo lãnh. Vậy lưu ý nào cho các bên khi ký kết và thực hiện chứng thư bảo lãnh?Những phân tích, chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Link&Partners đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Chứng thư bảo lãnh và những lưu ý cho doanh nghiệp ảnh 1

Trước tiên xin cảm ơn LS Nguyễn Hồng Linh đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Xin bà cho biết, chứng thư bảo lãnh là gì và khi nào thì chứng thư bảo lãnh có hiệu lực thực hiện? Nếu chiếu theo quy định pháp luật hiện nay thì chứng thư bảo lãnh hiện đang được quy định và điều chỉnh ở văn bản pháp luật nào?

Chứng thư bảo lãnh là một văn bản cam kết giữa hai bên là bên bảo lãnh (ngân hàng) và bên nhận bảo lãnh, được lập ra nhằm đảm bảo bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thanh toán nợ đúng hạn hoặc thanh toán nhưng không đầy đủ, không đúng thời hạn cho bên nhận bảo lãnh theo quy định trong hợp đồng bảo lãnh.

Khái niệm về chứng thư bảo lãnh được ghi nhận tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 34/2018/NĐ-CP:

“Chứng thư bảo lãnh tín dụng” là cam kết bằng văn bản của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả hoặc trả không đầy đủ, đúng hạn nợ vay đã cam kết với bên nhận bảo lãnh theo quy định tại hợp đồng bảo lãnh.”

Chứng thư bảo lãnh chỉ có hiệu lực khi Hợp đồng bảo lãnh được lập đúng quy định pháp luật, các bên có đủ điều kiện để bảo lãnh, được bảo lãnh, các bên thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng bảo lãnh và không vi phạm pháp luật.

Theo Điều 24 Nghị định 34/2018/NP-CP quy định: “Bảo lãnh vay vốn của bên bảo lãnh được thực hiện bằng văn bản dưới hình thức Chứng thư bảo lãnh”

Chứng thư bảo lãnh bao gồm:

– “Bên bảo lãnh” là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định này.

– “Bên được bảo lãnh” là đối tượng được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh.

– “Bên nhận bảo lãnh” là các tổ chức cho vay theo quy định của pháp luật, thực hiện cấp tín dụng cho bên được bảo lãnh.

Thời hạn có hiệu lực sẽ được quy định ngay trong chứng thư bảo lãnh.

Chứng thư bảo lãnh và những lưu ý cho doanh nghiệp ảnh 2

Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đã bị NH từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Vậy thưa bà Linh khi nhận một chứng thư bảo lãnh, các doanh nghiệp nên xem xét các điều khoản nào, yếu tố nào để đảm bảo khi bên có nghĩa vụ thanh toán vi phạm cam kết thì doanh nghiệp vẫn nhận được quyền lợi thưa bà?

Để đảm bảo khi bên có nghĩa vụ thanh toán vi phạm cam kết thì doanh nghiệp vẫn nhận được quyền lợi, thì nhận một chứng thư bảo lãnh, các doanh nghiệp nên xem xét các điều khoản, yếu tố sau:

– Thông tin chi tiết về tài chính nợ, nợ xấu của doanh nghiệp được bảo lãnh;

– Điều kiện cụ thể thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

– Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện các nội dung trong chứng thư bảo lãnh; quy định các nội dung liên quan đến nội dung, xử lý giải quyết tranh chấp nếu phát sinh;

– Thẩm quyền của chủ thể ký phát hành bảo lãnh.

Vậy các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những thủ tục, giấy tờ gì khi yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo chứng thư bảo lãnh thưa bà?

Để thực hiện bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ, bao gồm: Đơn đề nghị mở bảo lãnh; Hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp này; Hồ sơ tài chính, tài sản đảm bảo; hợp đồng thương mại;…bao gồm các bước sau:

Bước 1: Bên được bảo lãnh sẽ cung cấp hồ sơ đề nghị mở bảo lãnh cho ngân hàng. Bộ hồ sơ mở bảo lãnh về cơ bản gồm:

– Đơn đề nghị mở bảo lãnh

– Hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp

– Hồ sơ tài chính, tài sản đảm bảo

– Hợp đồng thương mại

Bước 2: Ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định bộ hồ sơ được khách hàng cung cấp dựa trên các yếu tố: Tính khả thi của dự án, tính pháp lý, năng lực thực hiện hợp đồng của bên được bảo lãnh, tài sản đảm bảo cũng như tình hình tài chính của bên được bảo lãnh

Bước 3: Ngân hàng cung cấp thư bảo lãnh và hợp đồng thỏa thuận mở bảo lãnh giữa ngân hàng và bên được bảo lãnh (tách biệt hoàn toàn với hợp đồng thương mại)

Bước 4: Trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng, ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện nghĩa vụ thanh toán sau khi nhận được bộ hồ sơ yêu cầu thanh toán từ phía bên nhận bảo lãnh.

Bước 5: Ngân hàng thông báo bên được bảo lãnh hoàn tất nghĩa vụ thanh toán (trả gốc, lãi, các khoản phí phát sinh)

Chứng thư bảo lãnh và những lưu ý cho doanh nghiệp ảnh 3

Và từ những gì mà bà vừa phân tích thì các DN nên yêu cầu đối tác của mình mở chứng thư bảo lãnh với những nội dung, điều kiện, phạm vi và thời hạn bảo lãnh như thế nào thưa Luật sư Linh?

Các doanh nghiệp lưu ý, chứng thư bảo lãnh cần có những nội dung cơ bản sau:

+ Ngày phát hành chứng thư bảo lãnh, nghĩa vụ trả nợ gốc, trả nợ lãi;

+ Điều kiện cụ thể việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

+ Thời hạn hiệu lực của chứng thư bảo lãnh;

+ Các hồ sơ liên quan đến việc đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng của bên nhận bảo lãnh đối với bên bảo lãnh;

+ Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên;

– Về điều kiện bảo lãnh: Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

– Về thời hạn bảo lãnh:

+ Thời hạn hiệu lực của chứng thư được xác định từ ngày phát hành cam kết bảo lãnh hoặc sau ngày phát hành cam kết bảo lãnh theo thỏa thuận của các bên liên quan cho đến thời điểm hết hiệu lực của nghĩa vụ bảo lãnh.

+ Trường hợp ngày hết hiệu lực của chứng thư bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết thì ngày hết hiệu lực được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.

Xin cảm ơn Bà!

Rate this post