Quãng lặng nơi bậu cửa

bậu cửa là gì
bậu cửa là gì
“…từ khi tôi sinh ra, ngôi nhà đã như thế”. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Ngôi nhà tôi xây từ khi nào tôi không được biết, chỉ nhớ, từ khi tôi sinh ra, ngôi nhà đã như thế. Nhà ba gian hai chái, tường gạch bao bọc xung quanh, phía trước là cửa gỗ bức bàn, cánh cửa gỗ từng cặp mở vào phía trong lòng nhà, ngói lợp lưng mái, phần nóc còn đánh rạ.

Ở giữa nhà, bốn cây cột lim vững chãi kết nối với các vì kèo, xà ngang, xà ngưỡng… Trẻ con ôm cột xoay người mà chơi, cây cột mỗi ngày lại thêm đen bóng. Hai gian chái (buồng) ngăn cách với ba gian giữa bằng bức vách gỗ lim, gồm mấy tấm gỗ cắt hèm ghép khít lại với nhau, khít đến nỗi một con kiến cũng khó bề chui lọt. Nơi cửa buồng có cái bậu cửa cao quá gối. Thuở bé, tôi thường phải trèo qua cái bậu cửa để ra vào căn buồng, cứ thắc mắc sao phải làm ra cái bậu cửa khó đi như vậy.

Cha tôi giảng giải, bậu cửa trong nhà có ý nghĩa như một lời nhắc. Buồng là nơi kín đáo, thường dành cho các cặp vợ chồng mới cưới hay con gái ở. Con gái, con dâu đi từ nhà ngoài vào hay từ trong buồng ra thì nên ý tứ, đến cái bậu cửa thì ngưng lại vài giây, nhìn ra xem ở ngoài, ông bà, bố mẹ đang làm gì, có khách không, để đi lại cho nó chậm rãi, nhẹ nhàng. Có muốn mang thứ gì từ trong buồng ra thì cũng nên lựa, đang có khách thì nên mang ra hay chờ khách về. Gặp cái bậu cửa, thì mọi hành động đi đứng nói năng đều sẽ trở nên duyên dáng, tế nhị hơn.

Thì ra, các cụ ta xưa, làm gì cũng đầy ẩn ý. Cái bậu cửa phía trước ngôi nhà, tuy có thấp hơn, đi lại dễ dàng hơn, nhưng cũng vẫn là một ranh giới. Đến bậu cửa là người ta phải lưu ý, chân nhấc vừa đủ cao, quần chùng áo dài thì khẽ khàng kéo lên một chút, kẻo vướng và vấp.

Đối với khách đến nhà, có lẽ, cái bậu cửa ấy, cũng ẩn ý nhắc khéo khách từ từ dừng bước, quan sát, lắng nghe ý tứ gia chủ vồn vã hay lạnh nhạt rồi hãy bước vào nhà. Cái bậu cửa trước, về phong thủy thì như một ranh giới phân cách nhà ở với thế giới bên ngoài, ngăn bụi ở ngoài bay vào nhà, cũng hàm ý để vận khí, tài lộc trong nhà không thoát ra ngoài.

Về tinh thần, nó như một quãng lặng để giữa người già, người trẻ, giữa bố mẹ và con cái trong nhà, giữa chủ và khách lắng nghe thái độ của nhau. Thầy bu đang tiếng chì tiếng bấc ở trong nhà, con cái về đến cái bậu cửa thì nên dừng chân nghe ngóng, dợm bước nhẹ cho thầy bu biết mình đã về, rồi lánh đi một chút để thầy bu dàn xếp.

Xóm tôi ngày ấy chỉ có hai ngôi nhà xây, còn lại đều nhà tranh vách đất, tường trình đất nện, dày, chắc chắn, nguyên màu nguyên thớ đất đai, để tự nhiên cho tháng năm tô lên phong rêu ẩn nhẫn. Phần đứng bằng các thanh tre, nứa đan cài ngang dọc, trát bùn trộn rơm lên thành vách, chờ cho vách khô đi thì quét vôi trắng lên cho sáng sạch.

Nhà tôi đã ba lần sửa nhà, bỏ đi toàn bộ cột, kèo, xà, rường… cũ, dỡ bỏ toàn bộ vách ngăn buồng, các bậu cửa và bức bàn phía trước, thay bằng tường xây, cái nóc rạ được thay bằng ngói. Nhưng khung nhà đến nay cơ bản vẫn như cũ. Điều đó khiến tôi luôn khắc ghi trong tâm trí hình ảnh ngôi nhà thuở ấu thơ, với cái bậu cửa nắng gió chan hòa.

Bậu cửa trong kết cấu nhà gỗ truyền thống là phần thân gỗ nằm ngang ở vị trí bên dưới ngưỡng cửa, liên kết cột con của hai vì kèo gần nhau nhất ngay lối vào nhà. Cho dù là nhà hay bếp, dù chỉ là nhà tranh, thì căn nhà, căn bếp nào ở quê tôi thời ấy cũng đều có cái bậu cửa.

Cửa sổ cũng có bậu cửa, là phần tường ở phía dưới của khung cửa sổ, người ta cũng lấy đó làm trụ đỡ để lắp các chấn song. Thuở bé tôi thường ngồi trên bậu cửa sổ chơi, có khi xây lưng lại phía ngôi nhà, tay bám vào chấn song, hai chân thò ra vắt vẻo bên ngoài bức tường, mắt hóng ra ngõ, ơi ời gọi mấy đứa nhỏ liu tiu như mình đang lang thang với mấy viên bi hay bông râm bụt. Một căn nhà lớn thì bậu cửa bằng gỗ đẹp, nhà tranh thì bậu cửa có khi bằng gỗ, có khi đơn giản bằng một cây luồng, nhưng kết cấu và chức năng của nó trong ngôi nhà là như nhau.

Bậu cửa là nơi đầu tiên đón những đốm nắng sáng sớm rắc qua, trước khi những tia nắng lấp lánh rọi sâu vào trong thềm nhà. Qua khe hẹp của mấy cánh cửa gỗ vừa mở, từng dải nắng trong vắt lọt qua, như một chiếc ống sáng kì ảo chứa trong nó muôn vàn hạt bụi li ti đang lượn bay nhảy nhót. Khoảnh khắc nắng rắc qua bậu cửa buổi sáng rất ngắn ngủi, tựa những đốm tin vui. Có nắng, có ánh sáng là báo hiệu một ngày rạng rỡ.

Cha tôi, một người hay trầm ngâm ngồi hút điếu bát trên bộ bàn ghế bằng gỗ lim đen bóng kê ở gian giữa, đôi mắt hướng ra phía ngoài sân lúc nào cũng ầng ậng tâm trạng. Cha nhìn những đốm nắng rắc hoa từ thềm hè lên chiếc bậu cửa, có thể đoán biết lúc này là mấy giờ sáng, hôm nay nắng to hay dịu trời.

Mỗi mùa khác nhau, bóng nắng lại dịch chuyển nhanh chậm, đậm nhạt theo từng thời khắc. Cha tôi như người thuộc lòng đường đi của nắng, thậm chí cả gió. Khi những đốm nắng không còn lưu luyến ở cái bậu cửa mà đã rủ nhau lân lấn ra phía ngoài thềm hè, dắt tay nhau dàn hàng thành cái ngấn thẳng tắp chạy ngang trước cửa, mà ra khỏi cái ngấn ấy là một vùng sân chan hòa ánh nắng, thì cha tôi rục rịch hãm ấm chè xanh. Cha sai tôi ra vườn hái mấy bông nhài úp cốc cho đượm hương thơm, rồi đi mời mấy ông hàng xóm sang uống trà. Lúc ấy thường quãng chín giờ sáng.

Cái bậu cửa là nơi trẻ con chơi trốn tìm, thầy u, cô bác ngồi uống trà, mấy đứa trẻ đu cột lim, bám cửa gỗ mà trốn trốn nấp nấp. Chạy qua chạy lại, không cẩn thận thế nào cũng có đứa vấp ngã, khóc ré lên rồi quên ngay. Những cánh cửa gỗ tưởng đâu là chỗ nấp lý tưởng, mà rồi cứ cót két cọt kẹt, thế là “nghĩa lộ”.

Cái bậu cửa của mỗi nhà cũng là nơi trẻ con, người già hay ngồi mà ngóng ra sân, những sáng sớm hay chiều muộn, đặc biệt mỗi khi trời mưa. Sáng, trẻ con ngồi bậu cửa bắt bóng nắng, đúng hơn là bắt những hạt bụi li ti đang nhảy nhót trong bóng nắng, thấy bụi chạy cù quay thì cười như nắc nẻ. Có đứa ngồi bậu cửa để người lớn bón cơm cho ăn, dỗ dành cho nín khóc.

Chiều xâm xẩm, mấy đứa con gái đến tuổi mơ mộng ngồi bậu cửa mà ngóng lên trời cao, trăng đã sắp lên, và kìa, sao đã mọc. Hay cũng là những lúc ngóng trông, mưa sao mưa mãi, “giời mưa bong bóng phập phồng”, lá khô bít hết chỗ thoát nước trên sân, biết bao giờ mới tạnh!

Nhớ về cái bậu cửa, tôi không sao quên được ngôi nhà tranh của người cậu họ ở làng. Một gia đình có lẽ là nghèo nhất, nhà đông con, căn nhà tranh thấp tịt, mái rạ võng xuống trồi lên mấp mô từng đụn, bên trong nhà tối và ẩm, thềm hè và nền nhà đều bằng đất. Cái thềm hè nơi giọt gianh rót xuống, theo tháng năm mưa gió, cứ trụt dần trụt dần, ăn lõm vào mòn vẹt, bước lên là phải bấm ngón chân thật chắc, có khi còn trơn ngã bổ ngược xuống sân. Một cái sân đất xanh xanh màu rêu, nứt nẻ hình vẩy rồng vào mỗi khi mưa rồi lại nắng.

Năm ấy, mợ sinh thêm đứa con thứ năm. Cậu chắc yêu đứa con gái ấy lắm nên đặt tên em ẩn nghĩa vẻ đẹp một bông sen. Nhưng không may, em sinh ra chỉ sống được có ít ngày. Lúc em đi, cậu đau đớn ngồi bệt nơi thềm hè, cạnh bậu cửa, hai tay bấu vào bức vách như muốn tìm kiếm nơi bám víu cuối cùng trong đau khổ, tuyệt vọng.

Người cậu rung lên từng tiếng nấc, tường vách mỏng manh ọp ẹp cũng rung lên như muốn vỡ ra, sập xuống khiến ai nấy có mặt đều lo lắng, cảm thương. Chiếc hòm nhỏ cậu đặt bên cạnh được ghép bằng gỗ tạp thành quan tài, em bé nhỏ thó, im lìm bất động bên trong. Tôi nhớ tóc em loăn xoăn, bên bết dính vào da đầu còn xanh những đường gân mỏng. Em đã ngưng thở rồi mà không hiểu sao đôi môi rất đỏ. Sau này tôi nghĩ có thể ai đó đã quết son lên môi cho em, để em đi vào cõi thần tiên được rạng rỡ, xinh đẹp.

Những hình ảnh nơi bậu cửa nhà cậu ngày ấy, đã mấy chục năm qua, chưa khi nào thôi rời xa xót trong tâm trí tôi…

Nơi bậu cửa, ánh sáng bừng lên ngày mới. Con người bước qua cái bậu cửa ra ngoài, là ùa vào nắng gió, cây xanh, là trời cao mây trắng lồng lộng bay qua; thấp thoáng trong vườn, trong sân, tiếng gà tiếng chim thiết tha chào ban mai gió sớm. Sau hết một ngày lao động, mưu sinh, một ngày chan hòa với thế giới bên ngoài, ta lại trở về ngập ngừng, nhẹ nhàng nơi bậu cửa. Bước vào trong nhà là vừa đem theo vừa để lại những dư âm của một ngày nơi bậu cửa.

Dù mỏi mệt, nhọc nhằn hay vui ấm, có thành quả mang về hay chỉ là mất mát, thì bên trong bậu cửa, cũng đây rồi ngôi nhà thân thương, có bóng cha, dáng mẹ, có anh chị em quấn quít, tiếng bầy trẻ líu lo. Hơi ấm mùi thơm cơm mới từ căn bếp nhỏ, cũng như đang ren rén lâng lâng nơi bậu cửa, mà đơm lên thảo thơm chi chút những ngọt bùi.

Rate this post