Làng Ái Mộ

ái mộ là gì
ái mộ là gì

<?xml:namespace prefix = o />

(HNMĐT) – Làng Ái Mộ ở ngay bờ Bắc sông Hồng. Tên xa xưa của làng là lâm Hạ. Làng tiếp giáp với làng Bồ Đề (hay làng Phú Viên), có bến Bồ Đề, là trung điểm của hai làng và là địa bàn quan trọng, chính yếu của huyện Gia Lâm xưa.

Từ bến này có cầu phao bắc quan sồng Hồng để vào Kinh thành Thăng Long xưa. Có thể nói, Ái Mộ là làng và điểm cuối cùng của con đường Thiên lý từ Mục Nam Quan để vào Kinh đô Thăng Long. Năm Đinh Mùi (1427), Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đứng đầu là Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đóng tại làng Ái Mộ để chỉ đạo cuộc bao vây thành Thăng Long. Dân làng đến chúc mừng nên Lê Lợi cho gọi tên làng là Lâm Hạ.

Tuy ở sát Thăng Long bên bờ Bắc sông Hồng, nhưng thời phong kiến, Ái Mộ là vùng thôn quê rất đậm nét. Dân làng sống bằng trồng lúa, làm màu trên đất bãi, đánh cá và chở đò trên sông Hồng. Tình hình kinh tế – xã hội của làng chỉ thay đổi vào đầu thế kỷ XX, khi cầu Đu Me (cầu Long Biên, hay cầu Sông Cái được bắc; ga Gia Lâm và nhà máy xe lửa Gia Lâm được xây dựng. Đầu cầu Long Biên bên bờ Bắc ở ngay đầu làng Ái Mộ.Giao lưu hàng hóa từ nội thành sang (và ngược lại) qua địa phận làng được tăng cường. Người các nơi về sinh sống, làm ăn tại làng ngày càng đông, hình thành phố Ái Mộ với nhiều loại hình dịch vụ. Dân làng có nhiều người vào các nhà máy làm thợ, đi khuân vác và làm các dịch vụ. Đời sống của dân làng được nâng lên. Năm 1928, làng (cả phố Ái Mộ) có 1859 nhân khẩu. Làng có 4 xóm: Giếng, Chùa, Chợ A và Trung Quân.

Ái Mộ có một di tích rất đặc biệt là Đền Ghềnh nằm ngay bờ sông Hồng. Đây vốn là một miếu nhỏ, dựng ở trên một ghềnh đá nhô ra bờ sông nên gọi như vậy. Miếu thờ bà Hoàng hậu xấu số, vợ Vua Quang Trung, tức Công chúa Ngọc Hân. Sau khi nhà Nguyễn cho lính về phá nhà thờ và mộ của Ngọc Hân cùng hai người con của Bà ở làng Phù Ninh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm), đem hài cốt đổ xuống sông Hồng, đoạn có ghềnh đá ở làng Ái Mộ, dân làng lập miếu thờ Bà ngay sát ghềnh đá này.

Năm Kỷ Mùi (1859), nước lũ làm ngôi miếu bị đổ xuống sông. Một thời gian sau, một người phụ nữ trong làng đứng ra quyên tiền của, dựng lại ngôi miếu to hơn, trở thành ngôi đền, thờ thêm cả Mẫu Thoải và Mẫu Liễu Hạnh. Từ đó, ngôi đền trở thành trung tâm thờ Mẫu, kéo theo nhiều hiện tượng đồng bóng cho đến thời gian gần đây.

Làng Ái Mộ có ông Phạm Thừa Nghiệp đỗ Hoàng giáp khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1466), làm quan đến chức Đô Ngự sử (như Tổng Thanh tra Nhà nước hiện nay), từng được cử đi sứ sang nhà Minh.

Làng Ái Mộ cùng với làng Bồ Đề nằm trong xã Lâm Hạ thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh). Đầu thế kỷ XIX tách ra thành hai xã: Lâm Hạ Ái Mộ và Lâm Hạ Phú Hữu (hay Phú Viên) thuộc tổng Gia Thụy Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong một xã lớn mang tên Toàn Thắng huyện Gia Lâm. Hòa bình lập lại, thuộc xã Hồng Tiến quận 8 ngoại thành Hà Nội. Năm 1961, xã Hồng Tiến lại cắt về huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành. Năm 1964, xã Hồng Tiến đổi tên là Bồ Đề. Từ tháng 11 – 2003, xã Bồ Đề được chuyển thành phường thuộc quận Long Biên. Ngày nay, Ái Mộ trở thành một phố đông đúc, phố trung tâm của quận Long Biên.

TS. Bùi Xuân Đính

Rate this post