Tả pín lù, tạp pín lù

Một đặc điểm về văn tự của người Quảng Đông là họ đã làm cho một số chữ Hán chính gốc bị mất gia phả nên phải tạo ra một số tục tự Quảng Đông để thay thế cho những chữ đó. Ở đây, 邊 là một tục tự thay thế cho cái chữ bị mất gia phả là 甂 nên nếu được phục nguyên thì tả pín lù sẽ là 打甂爐. Pín 甂 là một loại nồi, còn lù 爐 là lò. Pín lù 甂爐 là một thứ lò trên đó có đặt một loại nồi để ăn nóng tại chỗ một loại thức ăn có nước. Vậy pín lù 甂爐 chẳng qua là một thứ lẩu, mà vài chục năm trước đây, trong Nam còn gọi là cái cù lao.

Nhiều người đã lầm mà xếp nó ngang hàng với lâm vố, xào bần vì một là chưa làm quen với món này; hai là đã thế mà lại còn suy diễn từ cái tên đã bị làm cho… méo mó. Chẳng là, âm tiết đầu của tả pín lù nhiều khi bị nói trại thành “tạp” nên chính cái chữ tạp này đã làm cho nhiều người loại suy từ các cấu trúc có hình vị tạp (như: tạp âm, tạp chất, tạp hóa, tạp nham, ăn tạp, lai tạp…) mà làm cho giá trị của món ăn này bị hạ thấp.

Còn sở dĩ với nhiều người, tả lại có thể trở thành tạp là vì hai nguyên nhân song hành. Một, về ngữ âm thì phụ âm cuối zero (tức hiện tượng không có phụ âm cuối) của tả đã bị phụ âm đầu p của pín đồng hóa (nên khuôn vần a mới trở thành ap). Hai, sự đồng hóa này ngay lập tức lại bị áp lực của hình vị tạp trong các thí dụ đã nêu nên cuối cùng thì tả đã biến thành tạp. Mà đã “tạp” thì không còn “ngon lành”! Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên còn “chế” ra một biến thể ngữ âm nữa là tạp phí lù mà giảng rằng đó là “hổ lốn, chẳng có thứ gì đáng có giá trị” (!)

Rate this post