Quả ô môi có tác dụng gì?

1.1. Đặc điểm sinh thái của quả ô môi

Cây ô môi là cây họ Đậu, có thân gỗ cao khoảng 10 – 20 mét, thân nhẵn có màu nâu đen. Cây thường mọc ngang thẳng, vỏ nhẵn, các cành non thường có một lớp lông mịn màu rỉ sắt bao quanh. Lá ô môi là lá kép, dạng lông chim thường có 8 đến 20 đôi lá phụ. Lá thon dài khoảng 7 đến 12 cm, rộng từ 4 đến 8 cm, tròn ở hai đầu lá, bên trên phủ nhiều lông mịn, màu xanh sáng bóng, gân lá rõ ràng.

Hoa ô môi có màu hồng tươi thường mọc ở nách lá đã rụng. Hoa thường mọc thành chùm với nhiều cụm hóa lớn, buông thõng xuống, độ dài khoảng 20 đến 40 cm. Hoa thường nở vào tháng 2 đến tháng 3 hàng năm.

Quả ô môi có hình trụ, dẹt dài khoảng 40 đến 60cm, đường kính khoảng 3 đến 4 cm, cứng, màu nâu đen, cong như hình lưỡi liềm. Xung quanh hạt là phần thịt có màu nâu đen, mùi hắc, vị ngọt, hơi chát đắng. Mùa quả khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.

1.2. Bộ phận dùng làm dược liệu

Lá, vỏ thân và hạt của quả ô môi được ứng dụng để làm dược liệu.

1.3. Phân bố của cây ô môi

Nguồn gốc của cây ô môi từ các nước phía Nam của châu Mỹ, thường được trồng để lấy bóng mát và làm cảnh.

Ở Việt Nam, cây ô môi thường mọc hoang và trồng ở nhiều tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ với công dụng làm dược liệu và lấy bóng mát. Ngoài ra, người ta cũng phát hiện cây ô môi phân bố ở miền Bắc.

  • Người dân thường lấy quả ô môi chín để ngâm rượu dùng điều trị các bệnh lý về xương khớp và kích thích tiêu hóa.

1.4. Thời gian thu hoạch và sơ chế

  • Quả ô môi thường được thu hái vào mùa thu, khi quả chín đều. Vỏ thân và lá có thể thu hái quanh năm.
  • Sau khi thu hái quả ô môi, mang về bỏ phần vỏ, bỏ phần hạt, lấy cơm để ngâm rượu, dùng dần. Rượu ô môi được cho là có tác dụng bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cảm giác ngon miệng hơn và có thể kiện gân cốt. Quả ô môi cũng được sử dụng để nấu thành cao mềm với công dụng kích thích tiêu hóa và nhuận tràng.
  • Vỏ thân và lá ô môi nước thường được dùng tươi, thu hái khi cần thiết. Lá và vỏ thường dùng giã nát, chắt lấy phần nước cốt điều trị các bệnh da liễu.

1.5. Cách bảo quản dược liệu

  • Rượu quả ô môi sau khi ngâm cần đậy kín nắp bình, tránh côn trùng và không khí có thể làm hỏng rượu. Đặt bình rượu ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và nơi ẩm ướt.
  • Quả ô môi tươi sau khi được thu hoạch thì cần bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh độ ẩm cao có thể bảo quản được đến vài năm, không hư hỏng.

Rate this post