Cảm lạnh là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán bệnh

Cảm lạnh là một căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và lưu hành mạnh mẽ trong mùa lạnh. Bệnh được gây ra bởi các loại virus khác nhau và thường đi kèm với các triệu chứng như sổ mũi, ho, hắt hơi, đau đầu, đau cơ thể và sốt nhẹ. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại virus gây ra bệnh và sức đề kháng của cơ thể. Hãy cùng VNVC tìm hiểu.

cảm lạnh

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên (mũi, họng). Có hơn 200 loại virus khác nhau có thể là tác nhân gây ra bệnh cảm lạnh, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do virus Rhinovirus và các triệu chứng phổ biến nhất là nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa và đau họng.

Các dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh khá rõ ràng: nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa và đau họng. Hầu hết các triệu chứng này rất dễ nhận biết ngay từ khi xuất hiện. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), một người trưởng thành có thể sẽ mắc cảm lạnh trung bình từ 2 đến 3 lần mỗi năm. [1]

Các triệu chứng cảm lạnh

Các triệu chứng cảm lạnh thông thường thường xuất hiện theo từng giai đoạn. Các giai đoạn cảm lạnh thông thường bao gồm:

1. Giai đoạn 1 (Ngày 1 đến ngày 3)

Trong vòng từ 1 đến 3 ngày sau khi nhiễm virus gây cảm lạnh, bệnh nhân có thể nhận thấy cổ họng có cảm giác nhột nhột, ngứa ngáy. Khoảng một nửa số người bị cảm lạnh cho biết triệu chứng đầu tiên của họ là có cảm giác ngứa và đau họng. Các triệu chứng mà bệnh cảm lạnh có thể gây ra trong giai đoạn 1 gồm có: hắt xì, sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan, khản giọng,…

2. Giai đoạn 2 (Ngày 4 đến ngày 7)

Ở giai đoạn này, mức độ biểu hiện các triệu chứng của cảm lạnh sẽ cao hơn, có thể lên đến đỉnh điểm của bệnh. Ngoài các triệu chứng tương tự như giai đoạn 1, người bệnh còn có thể cảm thấy nhức mỏi cơ thể, đau đầu, sốt (phổ biến ở trẻ em), cơ thể mệt mỏi, uể oải, chất nhầy chảy xuống cổ họng, chảy nước mắt và nước mũi.

3. Giai đoạn 3 (Ngày 8 đến ngày 10)

Cảm lạnh thường bắt đầu giảm trong giai đoạn này. Nhưng một số triệu chứng có thể tồn tại. Một số người bị ho dai dẳng có thể kéo dài đến hai tháng sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. [2]

Nếu các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn và/hoặc cơn sốt dai dẳng, sốt cao không hạ, hãy đến cơ sở bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy cảm lạnh thường khỏi hẳn sau vài ngày mà không gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng nếu kéo dài, bệnh cũng có thể biến chứng nguy hiểm.

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ khi gặp các triệu chứng bất thường như: khó thở hoặc thở gấp, mất nước nhiều, dấu hiệu sốt trên 4 ngày, các triệu chứng cảm lạnh kéo dài trên 10 ngày mà không thấy được cải thiện, các triệu chứng cải thiện nhưng tái phát ngay sau đó và trở nên trầm trọng hơn. Rất có thể lúc này người bệnh đã mắc phải bệnh lý nguy hiểm điển hình là cúm mùa, do cảm lạnh và cúm mùa có các triệu chứng tương đồng với nhau.

⇒ Bạn có thể xem thêm: Bệnh cúm: Nguyên nhân, triệu chứng điều trị và cách phòng ngừa.

triệu chứng của cảm lạnh
Những triệu chứng của cảm lạnh thường tương đồng với cúm, nhưng không nguy hiểm và gây hại quá nhiều đến sức khỏe của người bệnh như cúm

Các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm các đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc các bệnh lý về đường hô hấp nói chung và bệnh cảm lạnh nói riêng do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm: Chảy nước mũi (ban đầu chảy nước mũi có thể trong, sau đó trở nên đặc hơn và có thể có màu xám, vàng hoặc xanh lá cây), hắt xì nhiều và liên tục, chán ăn, sốt cao đến 39 độ C, tăng tiết nước dãi vì khó nuốt và đau họng, ho khan, cáu gắt, quấy khóc vô lý, các tuyến hơi sưng,…

Các triệu chứng trên sẽ thuyên giảm nhanh chóng và biến mất hẳn trong vòng vài ngày nếu trẻ được chăm sóc cẩn thận. Khi trẻ có các triệu chứng như khó thở (đặc biệt là lỗ mũi của trẻ mỏ rộng với mỗi nhịp thở), thở gấp, xương sườn lộ ra theo từng nhịp thở, mô xanh xao, tím nhợt, chán ăn, mất nước nghiêm trọng, đau tai, sốt cao (ở trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi), buồn ngủ, lừ đừ, quá cáu kỉnh, ho khan kéo dài trên 3 tuần khiến trẻ khóc không ra tiếng,… phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Nguyên nhân cảm lạnh và các yếu tố tăng nguy cơ

Có hơn 200 loại virus có thể là tác nhân gây ra bệnh cảm lạnh thông thường nhưng virus Rhinoviruses lại là tác nhân chính với hơn 50% trường hợp cảm lạnh được xác định do loại virus này gây nên. Chỉ tính riêng Rhinoviruses, đã có hơn 100 chủng khác nhau, ngoài ra coronavirus cũng là một trong những tác nhân thường gặp gây ra bệnh cảm lạnh.

Các virus cảm lạnh thường xâm nhập vào cơ thể người bệnh thông qua các cơ quan chứa dịch tiết của cơ thể như miệng, mắt hoặc mũi do người bệnh tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus của người bệnh khi họ ho, hắt hơi và nói chuyện. Virus gây cảm lạnh cũng có thể lây lan khi dùng chung các đồ vật với người bệnh như khăn tắm, dụng cụ ăn uống, điện thoại hoặc đồ chơi nếu không rửa tay sau khi tiếp xúc.

Phân biệt giữa cảm lạnh và cúm

1. Sự khác biệt về nguyên nhân:

Cảm lạnh

Cúm

Cảm lạnh có thể gây ra bởi hơn 200 chủng virus khác nhau nhưng phổ biến nhất là virus Rhinoviruses. Cúm gây ra bởi virus cúm, có 3 chủng virus cúm gây bệnh ở người, gồm chủng cúm A, B và C. Trong đó, chủng A và B là 2 chủng virus cúm thường gặp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh; chủng C gây bệnh nhẹ và tự khỏi mà không xuất hiện các triệu chứng.

2. Sự khác biệt về triệu chứng:

Tiêu chí

Cảm lạnh

Cúm

Tốc độ khởi phát triệu chứng Từ từ, chậm rãi, từ 1 đến 3 ngày Đột ngột, nhanh chóng Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng Nhẹ đến trung bình Vừa đến nặng Sốt Hiếm khi Phổ biến Đau đầu Hiếm khi Phổ biến Đau họng Phổ biến Thỉnh thoảng Nhức mỏi cơ thể Nhẹ Vừa đến nặng Ớn lạnh Hiếm khi Phổ biến Ho khan, khó chịu ở ngực Hiếm gặp, nhẹ đến trung bình Phổ biến, vừa đến nặng, có thể nghiêm trọng Hắt xì Phổ biến Thỉnh thoảng Nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy Hiếm khi Thỉnh thoảng Biến chứng Hiếm khi Thỉnh thoảng

3. Sự khác biệt về biến chứng:

Cảm lạnh

Cúm

  • Nhiễm trùng tai giữa cấp tính: Vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây hại ở khu vực phía sau màng nhĩ, gây ra các triệu chứng như đau tai hoặc triệu chứng sốt tái phát sau cảm lạnh thông thường.
  • Hen suyễn: Cảm lạnh nặng và kéo dài sẽ khiến người bệnh mắc chứng hen suyễn, thở khò khè và tức ngực khi hô hấp. Đồng thời, bệnh hen suyễn sẽ trở nên trầm trọng hơn đối với các đối tượng đã bị hen suyễn trước đó.
  • Viêm xoang cấp tính: Bệnh cảm lạnh không được chăm sóc cẩn thận và giữ ấm cơ thể tốt sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, sưng đau và nhiễm trùng xoang
  • Các nhiễm trùng khác: viêm họng liên cầu khuẩn, viêm thanh khí phế quản, viêm tiêu phế quản,…
  • Nhiễm trùng xoang và tai: Virus cúm tấn công vào tế bào niêm mạc, gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi nhiều và liên tục, nước mũi có màu bất thường như màu xanh hoặc màu vàng, ho nhiều, xuất hiện cảm giác khó chịu bên dưới khuôn mặt.
  • Viêm phế quản: Ho ra chất nhầy, thở khò khè, khó thở. Các triệu chứng này thường ở mức độ nghiêm trọng, biểu hiện dữ dội và kéo dài đến 3 tuần.
  • Viêm phổi: Khó thở, đau tức ngực, ho ra chất nhầy màu xanh lá cây hoặc vàng đậm, đau tức ngực khi thở, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tích tụ chất lỏng trong phổi,…
  • Viêm cơ tim: sốt cao trên 39 độ C, đau tức ngực khi thở, đánh trống ngực, đau tức vùng gan hoặc thậm chí còn xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như da dẻ tím tái, sốc huyết áp, sốc tim, rối loạn nhịp mạch,…
  • Viêm não: Biến chứng này gây suy giảm khả năng ghi nhớ, mất tập trung, lừ đừ, kém tỉnh táo, mất nhận thức, thậm chí gây co giật, tổn thương vĩnh viễn và tàn tật
  • Ngoài ra, còn có các biến chứng khác cũng vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời như: suy đa cơ quan, viêm cơ, tiêu cơ vân, nhiễm trùng huyết,…

Cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp với các biểu hiện từ nhẹ đến trung bình, vô cùng lành tính, có thể thuyên giảm nhanh chóng và khỏi hẳn trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau khi phát bệnh.

Tuy nhiên, cúm lại không lành tính như vậy, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Influenza gây ra, lây truyền qua đường hô hấp với tốc độ phát bệnh nhanh chóng, thậm chí đột ngột. Cúm thường gây ra những triệu chứng tương tự như cảm lạnh nhưng biểu hiện ở mức độ nặng nề và nghiêm trọng hơn, có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh và dẫn đến tử vong.

Cúm là bệnh gây ra bởi những chủng virus linh hoạt và “thông minh”, có khả năng biến đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục để đối phó lại với hệ thống miễn dịch của người. Chính vì sự nguy hiểm này, vắc xin phòng cúm đã ra đời và được khuyến cáo thực hiện tiêm chủng cho trẻ em từ đủ 6 tháng tuổi trở lên và duy trì tiêm ngừa hàng năm để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm nguy hiểm được thay “lớp áo” kháng nguyên mới hàng năm.

phân biệt cúm và cảm lạnh
Cúm thường diễn biến nặng nề và khởi phát đột ngột, nguy cơ cao biến chứng nặng nề.

Đường lây nhiễm và thời gian ủ bệnh

1. Cảm lạnh có lây không?

CÓ. Cảm lạnh dễ dàng lây lan từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi một người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, những giọt bắn nước bọt chứa virus cảm lạnh sẽ tồn tại nhiều giờ trong không khí, người lành vô tình hít phải hoặc tiếp xúc qua mắt, miệng hoặc tay sẽ nhiễm bệnh. Các virus gây cảm lạnh thường xâm nhập vào màng nhầy lớp niêm mạc ẩm của mũi, miệng hoặc mắt và gây bệnh.

2. Thời gian ủ bệnh là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi bị nhiễm virus gây cảm lạnh cho đến khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Thời gian ủ bệnh cảm lạnh thông thường từ 12 giờ đến 3 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây cảm lạnh.

3. Cảm lạnh bao nhiêu ngày thì khỏi bệnh?

Hầu hết cảm lạnh sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày và không trở nên nghiêm trọng hơn nếu được chăm sóc đúng cách. Trong một số trường hợp, cảm lạnh có thể kéo dài đến 2 tuần, thời gian khỏi bệnh sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng đề kháng của mỗi người. Chẳng hạn, những người hút thuốc hoặc mắc các bệnh về đường hô hấp trước đó như hen suyễn, có thể mắc bệnh cảm lạnh lâu khỏi hơn, các triệu chứng nặng hơn và dai dẳng hơn.

Chẩn đoán cảm lạnh như thế nào?

Cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm lành tính, sẽ tự khỏi trong một thời gian ngắn nếu được chăm sóc đúng cách, vì thế không cần phải thực hiện các chẩn đoán bệnh lý hay tiếp nhận sự chăm sóc và điều trị của các bác sĩ. Nhưng khi cảm lạnh kéo dài, biểu hiện dai dẳng, các triệu chứng xấu đi hoặc không biến mất, có thể người bệnh bị nhiễm vi khuẩn hoặc xuất hiện các tình trạng nhiễm trùng khác.

Lúc này, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-Quang ngực hoặc thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác để loại trừ các nguyên nhân gây ra triệu chứng bất thường ở người bệnh và đưa ra các chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Cách điều trị cảm lạnh

1. Điều trị bằng thuốc

Để điều trị cảm lạnh, người bệnh có thể được bác sĩ khuyến cáo sử dụng các loại thuốc không kê đơn phù hợp để giảm sốt, cải thiện tình trạng đau nhức cơ thể, nghẹt mũi và ho. Người lớn mắc cảm lạnh có thể sử dụng Acetaminophen, Tylenol và các loại thuốc giảm đau như Ibuprofen, Advil, Motrin IB,… [3]

Các chuyên gia lưu ý, trẻ em và trẻ thanh thiếu niên mắc cảm lạnh không tự ý sử dụng Aspirin để hạ sốt và giảm đau mặc dù Aspirin có thể sử dụng cho các đối tượng là trẻ em trên 3 tuổi. Giai đoạn mắc bệnh ây là giai đoạn nhạy cảm, có thể gây ra các phản ứng phụ bất lợi như hội chứng Reye, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Đặc biệt cần lưu ý các thông tin sau:.

  • Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, không cho trẻ dùng Acetaminophen cho đến khi trẻ được bác sĩ xác định chính xác tình trạng bệnh lý và đồng ý cho dùng.
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi, chỉ dùng Acetaminophen, không cho trẻ uống Ibuprofen hoặc các đối tượng là trẻ bị nôn liên tục hoặc bị mất nước.
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên có thể cho uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen.
  • Trẻ em dưới 4 tuổi, không sử dụng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn cho trẻ nhỏ trừ khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Thuốc ho và cảm lạnh có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng ở trẻ nhỏ.
  • Trẻ em từ 4 tuổi trở lên, nên trao đổi với bác sĩ để tiếp nhận sự tư vấn xem thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn có an toàn cho trẻ hay không.
uống thuốc tây
Sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng do cảm lạnh gây ra vô cùng hiệu quả, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn

2. Xịt thông mũi

Người lớn có thể sử dụng thuốc nhỏ hoặc xịt thông mũi trong tối đa 5 ngày để hỗ trợ điều trị các triệu chứng của cảm lạnh gây ra. Không nên sử dụng thuốc nhỏ hoặc xịt thông mũi cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với trẻ em trên 6 tuổi, nên được các bác sĩ thăm khám và chỉ định trước khi sử dụng, tránh gây ra các kích ứng bất lợi đến đường hô hấp.

3. Xi rô ho

Xi rô ho không kê đơn có thể được dùng để điều trị các triệu chứng ho và cảm lạnh. Nếu sử dụng xi rô ho không kê đơn, cần làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất in trên nhãn lọ. Không dùng hai loại xi rô có cùng hoạt chất, chẳng hạn như thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi hoặc thuốc giảm đau bởi sử dụng quá nhiều một thành phần duy nhất có thể dẫn đến quá liều và kích ứng nặng nề.

Không sử dụng xi rô ho không kê đơn (trừ thuốc hạ sốt và giảm đau như trên đã đề cập) để điều trị ho và cảm lạnh cho trẻ em dưới 6 tuổi.

4. Bị cảm lạnh nên ăn gì?

Người bị cảm lạnh thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, vì thế nên lựa chọn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ ăn, dễ nuốt và dễ tiêu hóa cho người bệnh như cháo, súp, canh hầm,… Ngoài ra, còn có một số loại thực phẩm hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng của cúm như tỏi, gừng, tía tô, hành lá, rau xanh,…

5. Bị cảm lạnh nên uống gì?

Khi bị cảm lạnh, người bệnh nên uống những loại thực phẩm dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất,… giúp bổ sung cho cơ thể những dưỡng chất đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh như mật ong, nước ép rau củ quả, nước dừa, nước lọc,…

6. Bị cảm lạnh nên kiêng gì?

  • Người bị cảm lạnh nên hạn chế hút thuốc và tiếp xúc thụ động với khói thuốc có thể gây kích ứng thêm cho mũi, cổ họng và phổi của mọi đối tượng, nhất là với bệnh nhân cảm lạnh.
  • Người bị cảm lạnh không dùng thuốc kháng sinh, đây là loại thuốc dùng để để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn chứ không phải do virus.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia: Đây là những loại thức uống có thể khiến vi virus gây cảm lạnh phát triển mạnh, gây ra nhiều tác động xấu đến gan, ảnh hưởng xấu đến khả năng hồi phục của cơ thể bị cảm lạnh.
  • Không nên sử dụng Caffeine có trong các loại thức uống hàng ngày như soda, cafe,… Đây là những loại đồ uống chứa nhiều đường, có thể gây ra tình trạng sốc glucose, kéo dài thời gian khỏi bệnh cảm lạnh.
  • Hạn chế dùng thực phẩm chứa hàm lượng protein dồi dào như tôm, trứng, cá, cua,… giúp cung cấp cho cơ thể người bệnh nhiều năng lượng cần thiết và cải thiện sức đề kháng. Tuy nhiên, chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa phải, không nên quá dư thừa, khiến cho cơ thể tích tụ quá nhiều năng lượng, kéo dài thời gian bệnh lý diễn ra.
  • Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều chất béo, đây là nhóm thực phẩm khó tiêu, gây ra tình trạng đầy hơi, đau bụng, thúc đầy tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể người bệnh, khiến bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn.
  • Không dùng nước giải khát, nước có ga, nước ép trái cây đóng chai,… có chứa một lượng đường hóa học rất cao, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ miễn dịch.
  • Không ăn các loại thực phẩm chế biến nhiều gia vị mặn: Đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều muối, làm tụt giảm lượng Lysozyme trong nước bọt, khiến họng dễ bị tổn thương, cảm lạnh trở nên lâu khỏi hơn.
  • Ngoài ra, cần phải kiêng các loại thực phẩm khác như sữa, phô mai, thực phẩm cay nóng, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán,…

7. Cách giảm sự khó chịu của cảm lạnh

Các chuyên gia khuyến cáo, tùy theo tình trạng và mức độ của bệnh, người bị cảm lạnh có thể được khuyến cáo sử dụng các loại thuốc dưới đây, tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định hoặc tư vấn từ bác sĩ:

  • Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng:
    • Thuốc giảm đau: Acetaminophen (Tylenol®) và NSAID như ibuprofen (Advil®) có thể làm giảm đau đầu và sốt.
    • Thuốc thông mũi: Bạn có thể sử dụng các loại thuốc như pseudoephedrine (Contac Cold 12 Hour® và Sudafed®) và Phenylephrine (Sudafed PE®) để giảm nghẹt mũi.
    • Thuốc kháng Histamin: Diphenhydramine (Benadryl®) và các thuốc kháng Histamin khác có thể ngừng hắt hơi và sổ mũi.
    • Thuốc giảm ho: Các loại thuốc như Dextromethorphan (Robitussin® và Vicks DayQuil Cough®) và Codein có thể giúp giảm ho. Các nhà cung cấp không thường khuyên dùng những thứ này cho trẻ em dưới 5 tuổi.
    • Thuốc long đờm: Guaifenesin (Mucinex®) và các loại thuốc long đờm khác có thể giúp làm loãng và lỏng chất nhầy.
  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp: Nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước.
  • Sử dụng nước muối xịt mũi hoặc nhỏ mũi để vệ sinh, làm sạch đường thở.
  • Đối với trẻ nhỏ, sử dụng bóng hút cao su để hút chất nhầy.
  • Sông mũi bằng nước nóng, có thể sử dụng tinh dầu bạc hà hoặc sả, mật ong.
  • Ngậm viên ngậm giúp giảm tình trạng đau họng. Tuy nhiên, không cho trẻ dưới 4 tuổi dùng viên ngậm.
  • Dùng mật ong để giảm ho cho người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên.

Cách điều trị cảm lạnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Để bé nghỉ ngơi nhiều nhất có thể trong không gian thoải mái, mặc quần áo thoáng mát.
  • Cho trẻ uống nhiều nước. Đối với trẻ từ dưới 6 tháng tuổi trở lên, có thể cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Làm sách chất nhầy trong mũi của trẻ bằng cách sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi trẻ trước khi cho bú 15 phút để chất nhầy trong mũi trở nên lỏng hơn và chảy ra. Sau đó, hút chất lỏng đó ra ngoài bằng bóng cao su hoặc dụng cụ hút miệng.
  • Thoa vaseline bên ngoài viền lỗ mũi của trẻ để giảm kích ứng, nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng nghẹt mũi, đau rát mũi.
  • Làm ẩm không khí, tạo hơi sương trong lành, mát mẻ, thoải mái trong không gian dưỡng bệnh của bé bằng máy hóa hơi hoặc máy làm ẩm.
  • Mật ong đã được chứng minh giúp giảm ho cho trẻ em trên 12 tháng tuổi, đặc biệt nếu được dùng trước khi đi ngủ.
  • Ngoài ra, có thể cho trẻ uống các loại thuốc điều trị khác theo sự hướng dẫn của các bác sĩ.
bé bị sốt đến khám bác sĩ
Cần đưa trẻ đến thăm khám sĩ ngay khi trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường, các triệu chứng của cảm lạnh kéo dài dai dẳng không có dấu hiệu thuyên giảm

Cách phòng ngừa cảm lạnh cho bạn và cho người xung quanh

Có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh bằng cách duy trì những thói quen lành mạnh, giữ gìn sức khỏe và đảm bảo cho những người khác khỏe mạnh:

  • Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng và nước, hoặc dùng dung dịch khử khuẩn như cồn hay nước rửa tay khô.
  • Không tụ tập ở những nơi không người, luôn bịt khẩu trang khi đi ra ngoài và tránh tiếp xúc gần với những đối tượng bị cảm lạnh, nghi ngờ bị cảm lạnh hoặc đang mắc các chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên khác.
  • Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, hoặc dùng khủy tay để che lại trong những trường hợp khẩn cấp.
  • Hạn chế dùng tay chạm lên mũi, miệng, mắt khi chưa được rửa sạch.
  • Tuyệt đối không hút thuốc và tránh hít khói thuốc thụ động từ những người xung quanh.
  • Ngoài ra, có thể tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm để bảo vệ sức khỏe trẻ em và người lớn khỏi sự nguy hiểm tiềm ẩn của bệnh cúm – bệnh lý lây qua đường hô hấp trên có nhiều sự tương đồng về triệu chứng nhưng biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn cảm lạnh.

Các câu hỏi thường gặp về cảm lạnh

1. Vì sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay bị cảm lạnh?

Cảm lạnh thông thường ở trẻ em và trẻ sơ sinh xảy ra thường xuyên hơn vì hệ miễn dịch của chúng chưa được hoàn thiện trẻ giai đoạn này chưa tiếp xúc với nhiều loại virus, nhiều kháng thể chưa được hình thành để nhận biết và chống lại các loại virus.

Theo nhiều thống kê, trước khi tròn 2 tuổi, một em bé có thể bị cảm lạnh từ 8 đến 10 lần mỗi năm.Trẻ ở độ tuổi đi học thường xuyên tiếp xúc gần gũi với những trẻ khác nguy cơ lây mầm bệnh cũng lớn hơn, đặc biệt trẻ chưa có thói quen tự vệ sinh hoặc tự bảo vệ, không che miệng khi ho và hắt hơi hoặc rửa tay trước khi chạm vào mặt… tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus cảm lạnh xâm nhập và tấn công gây bệnh.

Hơn nữa, virus gây cảm lạnh có thể sống trên đồ vật trong vài giờ, nếu trẻ chạm vào vật có virus gây cảm lạnh bám trên bề mặt, sau đó chạm vào miệng, mắt hoặc mũi… trẻ có thể dễ dàng nhiễm bệnh.

2. Đang mang thai bị cảm lạnh có ảnh hưởng gì không?

CÓ THỂ KHÔNG. Bị cảm lạnh khi mang thai thường sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Cảm lạnh là bệnh lý nhẹ, lành tính mà hệ thống miễn dịch của một người có thể xử lý và đối phó dễ dàng. Tuy nhiên, trong các trường hợp cảm lạnh biểu hiện nặng nề ở thai phụ, triệu chứng sốt sẽ nghiêm trọng, nhiệt độ thai phụ tăng cao, ảnh hưởng đến điều kiện phát triển của thai nhi. Lúc này cần tiếp nhận sự thăm khám, tư vấn và chăm sóc của các bác sĩ để nhanh chóng giải quyết triệu chứng.

bị cảm lạnh khi mang thai
Thai phụ mắc cúm thông thường sẽ nhanh chóng khỏi bệnh, không ảnh hưởng đến thai nhi

Cảm lạnh không nguy hiểm nhưng có thể khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Bệnh cảm lạnh phòng ngừa bằng cách củng cố hệ miễn dịch của cơ thể; điều chỉnh chế độ dinh dưỡng lành mạnh; duy trì rèn luyện thể chất, tập thể dục thể thao mỗi ngày; ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi nhiều để tăng cường sức đề kháng.

Rate this post