Cách dịch ‘bánh chưng’ sang tiếng Anh

Cách dùng quen thuộc là “Chung cake” – ngắn gọn và dễ hiểu. Hạn chế của cách dùng này là khi nói đến “cake”, người nghe hay nghĩ tới bánh ngọt (theo đúng định nghĩa của nó). Còn bánh chưng truyền thống có vị mặn, nên dịch bánh chưng là “Chung cake” dễ gây hiểu lầm, dẫn tới kỳ vọng sai trước khi ăn thử. Tuy nhiên, đây là cách dịch phù hợp và dễ hiểu nhất, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, “Chung cake” là cách gọi phổ biến và quen thuộc với nhiều người học tiếng Anh ở Việt Nam. Việc cố gắng thay đổi một khái niệm rất phức tạp, mỗi người có thể đưa ra một tên gọi riêng cho bánh chưng.

Ví dụ, tôi có thể dịch là “Chung wrapped sticky rice”, với “Chung” là tên riêng, còn “wrapped sticky rice” nghĩa là gạo nếp được gói lại. Cách dịch này nghe cũng thú vị và “đúng đúng”, nhưng lại chỉ là định nghĩa không phổ biến và nhiều người có thể bất đồng. Do đó, khi ai đó giới thiệu “This is Chung wrapped sticky rice” thì người nghe có thể không hiểu là đang nói về “Chung cake”.

Thứ hai, “Chung cake” có thể được coi là một “tên riêng” (với chữ C viết hoa) – tên riêng của loại bánh truyền thống của người Việt. Nó ngắn gọn, dễ nhớ, và dễ quảng bá.

Để tránh nhầm lẫn, người nói có thể thêm định nghĩa vào đằng sau, ví dụ “Chung cake – the Vietnamese traditional food made with pork, mung bean, sticky rice, wrapped in green leaves and then boiled” (Bánh chưng – loại bánh truyền thống của người Việt Nam với thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp được gói trong lá và luộc chín).

Nếu là bánh chưng mặn, bạn có thể nói “This is a savory cake” (Đây là một loại bánh mặn).

Bánh chưng Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Thanh Huế

Một cách khác, bạn hoàn toàn có thể giữ nguyên tên gọi gốc và giới thiệu với bạn bè quốc tế “This is ‘Bánh Chưng’ – a signature traditional food of Vietnamese people on the occasion of Tết holiday” (Đây là bánh chưng, một món ăn truyền thống của người Việt vào Tết Nguyên đán). Sau đó, bạn có thể dạy những người bạn nước ngoài của mình cách phát âm chuẩn từ “Bánh Chưng” và sử dụng các định nghĩa như “savory cake” (bánh mặn) “wrapped pork (thịt lợn được gói lại), “mung bean and sticky rice” (đỗ xanh và gạo nếp)… để làm rõ thành phần của bánh.

Và tất nhiên bạn cũng có thể hướng dẫn người bạn nước ngoài của mình phát âm từ Tết sao cho thật chuẩn tiếng Việt.

Bánh Chưng ở nước ngoài gọi là gì?

Thời gian ở Mỹ, mỗi dịp Tết, tôi vẫn hay mua bánh chưng ở chợ Việt Nam với giá khoảng 12 USD (khoảng 250.000 đồng) một cái. Người bán là người Việt, để ở bàn, để tên là “Banh Chung” hoặc “Chung cake”.

Trên thực tế, ngoài những cái tên này, một số siêu thị nước ngoài dùng các cách diễn đạt sau để nói về bánh chưng: “square sticky rice cake”, “square glutinous cake”. Trong đó, “square” là hình vuông, “glutinous” là dính, “glutinous rice” là gạo nếp. Hạn chế chung của các tên gọi này là vẫn phải dùng đến từ “cake”, khiến những ai không biết có thể hiểu lầm là một loại bánh ngọt.

Nhìn chung, tôi nghĩ bánh chưng tiếng Anh tốt nhất cứ để “Chung cake” (dưới dạng tên riêng) hoặc “Bánh Chưng” (nếu bạn đang sống ở Việt Nam và giới thiệu bánh với người nước ngoài).

Quang Nguyen

Rate this post