TINH – KHÍ – THẦN ĐỐI VỚI SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

Ba cơ sở vật chất này có sự liên hệ mật thiết với nhau, nếu một trong ba cơ sở vật chất bị suy giảm, thiếu hụt hoặc kém đi thì sẽ dẫn đến cơ thể con người bị bệnh, còn nếu cả ba cơ sở vật chất cùng giảm một lúc thì sẽ nguy hại đến tính mệnh, cơ thể người đó khó có thể tồn tại được.

Cơ thể người lúc còn trẻ việc rèn luyện nâng cao Tinh – Khí – Thần đã là điều rất quan trọng, thì khi trở về già việc nuôi dưỡng và kích thích phục hồi sự suy giảm của Tinh – Khí – Thần lại càng quan trọng hơn. Nếu người cao tuổi, lại xuất hiện nhiều bệnh tật, thì trong quá tình điều trị, cần thường xuyên luyện tập kích thích nâng cao Tinh – Khí – Thần, lúc đó bệnh tật sẽ nhanh phục hồi và tuổi thọ càng được tăng thêm.

Từ thế kỷ XIV, Cụ Tuệ Tĩnh đã nhìn nhận vai trò của Tinh – Khí – Thần trong con người ngang với Thiên Địa Nhân (tam tài) cấu tạo nên vũ trụ.

Trong ” Hồng nghĩa giác tư Y thư” Cụ Tuệ Tĩnh đã đúc kết bí quyết của khoa học trường thọ cổ truyền trong hai câu thơ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Theo Cụ Tuệ Tĩnh, Tinh – Khí – Thần có quan hệ qua lại chặt chẽ không thể coi nhẹ mặt nào.

Từ thế kỷ XVIII Cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã cho rằng: ” Với người cao tuổi, để có sức khỏe, trường thọ, phần dương phải luôn được coi trọng giữ gìn”. Trong các bài thuốc của Cụ Hải Thượng Lãn Ông dành cho người cao tuổi luôn có đầy đủ các vị âm dược và dương dược nhưng các vị bổ bao giờ cũng được ông coi trọng hơn.

Trong “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”, Ông đã nhấn mạnh:”Người ta có dương khí tựa như bầu trời có Thái Dương, bầu trời mất bình thường, dương khí không vững sẽ không thọ được.

(Hình ảnh người bệnh tập dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang)

Coi trọng việc gìn giữ Tinh – Khí – Thần được xem là khâu then chốt đảm bảo cân bằng Âm Dương, sức khỏe và trường thọ cho người cao tuổi

Với thần, Hải Thượng Lãn Ông đã nhắc nhở: “Hãy thận trọng như bưng cốc nước đầy, sơ ý sa vào hưởng lạc, khoái tâm, sẽ đánh đổ hết khí thiên chân, khi thần khí đã thoát, chỉ còn lại hình hài đơn độc sẽ chết…”

(Hình ảnh người bệnh tập dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang)

Để tồn được thần, con người nên ít ham muốn dục vọng, tham lam, tránh cho thần bị tổn hại bởi thất tình không hòa hợp. Mỗi người cũng cần biết điều hòa thần thuận theo quy luật của thiên nhiên, môi trường.

Mùa Xuân, sinh khí khởi phát, nên để cho ý chí phát sinh, tránh mưu toan sát hại.

Mùa Hạ, vạn vật trưởng thành, nên để tinh thần được khoan hòa phát tiết, tránh giận dữ.

Mùa Thu, vạn vật đã thành thục, cần thu hái, tinh thần nên an tĩnh, thư thái, tránh tản mạn.

Mùa Đông, vạn vật tiềm tàng, nên chú ý giữ gìn cho ý chí tinh thần được an tĩnh khoan hòa ở bên trong.

Về tinh, là gốc của huyết, xương cốt; là cội nguồn của hình thể khỏe mạnh; tinh và khí quan hệ chặt chẽ với nhau, tinh là âm, khí là dương, tinh sinh khí.

Nếu tinh kiệt, không được bế tàng, sẽ dẫn đến âm huyết hư, khí không được nuôi dưỡng, sức khỏe sẽ suy bại.

Với người có tuổi, để có sức khỏe, trường thọ, Hải Thượng Lãn Ông đã luôn nhắc nhở cần giữ gìn âm tinh:

“Lửa dục nung nấu trong lòng

Âm tinh hao kiệt, máu hồng cũng khô

Năm mươi tuổi đã thấy suy

Vì chưng tửu sắc, khởi cư không cùng”

Tinh – Khí – Thần là an bảo của con người, nhưng Thần sẽ khó tồn, Tinh sẽ không được bế tàng nếu Khí không được dưỡng, được luyện.

(Hình ảnh người bệnh tập dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang)

Luyện khí hàng ngày đã được Cụ Tuệ Tĩnh nêu lên từ thế kỷ XIII, sau này đã được Cụ Hải Thượng Lãn Ông tiếp tục phát triển cụ thể thêm:

“Hàng ngày luyện khí chớ quên.

Hít vào thanh khí, độc liền thải ra.

Làm cho khí huyết điều hòa.

Tinh thần giữ vững bệnh tà khó xâm”

Có thể thấy, từ cách đây nhiều thế kỷ, Y học cổ truyền phương Đông đã đề ra nhiều nguyên tắc và giải pháp quan trọng nhằm gìn giữ tinh khí thần, Ba cơ sở vật chất quyết định sức khỏe và trường thọ của người cao tuổi.

(Hình ảnh người bệnh tập dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang)

(Hình ảnh người bệnh tập dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang)

(Hình ảnh người bệnh tập dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang)

BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH BẮC GIANG

Y ĐỨC – CHẤT LƯỢNG – THÂN THIỆN

Địa chỉ: Số 02 – Đường Nguyễn Danh Vọng – Phường Trần Nguyên Hãn – TP Bắc Giang

Điện thoại: 0976 039 710 – 02043 662 169

Web: yhctbg.vn

Rate this post